Việt Phương Thoa và những KOL ‘khổ sở’ vì tài trợ thẩm mỹ

Trước Việt Phương Thoa, diễn viên Trịnh Thảo cũng từng phát hiện mất luôn xương mũi sau 4-5 năm được tài trợ thẩm mỹ.

Việt Phương Thoa chia sẻ về ca phẫu thuật với hy vọng các cô gái tỉnh táo khi quyết định làm thẩm mỹ

“Mình sẽ không bao giờ động đến dao kéo để làm đẹp nữa” – TikToker Việt Phương Thoa (tên thật là Nguyễn Việt Phương Thoa) trải lòng về hành trình phẫu thuật xử lý biến chứng sau sự cố bị tiêm silicone nhiều năm trước.

Thỏa thuận hợp tác giữa người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL) và các cơ sở làm đẹp hiện nay không hiếm.

Hình thức phổ biến là KOL được trải nghiệm làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ miễn phí, ngược lại, cơ sở làm đẹp được sử dụng hình ảnh của KOL để quảng cáo dịch vụ.

Tuy nhiên, hệ lụy từ hình thức này cũng không hiếm. Trước Việt Phương Thoa, một nữ diễn viên trẻ cũng được tài trợ nâng mũi. Sau nhiều năm, cô bàng hoàng phát hiện “cái giá” phải trả cho sự miễn phí này là một đoạn xương mũi.

Phát hiện biến chứng sau nhiều năm

Sáu năm trước, khi đang là KOL với vài trăm nghìn người theo dõi, Việt Phương Thoa đã xin tài trợ từ một spa để tiêm filler thon gọn mặt.

Xác nhận với Kênh sắc đẹp, đại diện nữ TikToker cho hay dù được tài trợ tiêm filler thon gọn mặt, cô không biết rằng chất được tiêm vào lại là silicone.

Một thời gian sau, cô mới bắt đầu nhận ra điều bất thường khi thấy filler trên mặt mình không tan sau 6 tháng đến một năm như những người khác. Song, cô nàng vẫn không xử lý vì không bị viêm hay đau nhức.

Mãi đến thời gian gần đây, thấy khối cứng gây sưng mặt kèm cảm giác đau, Việt Phương Thoa đi khám mới tá hỏa mình bị tiêm silicone thay vì filler.

Chất này đã bị Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấm sử dụng từ năm 1991. Năm 1995, Bộ Y tế Việt Nam đã ban hành quy định cấm tiêm silicone trực tiếp vào các bộ phận của cơ thể.

Khi tình trạng trở nặng bất thường, cô phải làm phẫu thuật gấp ngay trước Tết vài ngày. Cho đến nay, sau gần một tháng, tình trạng của cô nàng dần ổn nhưng vẫn phải theo dõi và điều trị thêm nhiều đợt.

* Không chỉ Việt Phương Thoa, diễn viên Trịnh Thảo cũng từng chia sẻ với Kênh sắc đẹp về chuyện đi làm mũi bị lỗi năm 18 tuổi.

Trịnh Thảo bị khoét mất xương mũi mà không hề hay biết từ năm 18 tuổi.

Năm 18 tuổi, cô vội vàng quyết định làm mũi do được một thẩm mỹ viện tài trợ.

Nhưng sau đó khoảng 4-5 năm, Trịnh Thảo phát hiện mũi mình bắt đầu có hiện tượng tụt sống nên đã đi khám.

“Lúc nhận kết quả chụp MRI, tôi rất sốc khi biết mình bị nạo mất xương mũi từ lần thẩm mỹ trước. Giờ nếu muốn làm lại, tôi phải tháo ra và làm lại từ đầu”, nữ diễn viên Cây táo nở hoa kể lại.

Cô cũng cho hay mình hoàn toàn không được xin ý kiến về việc nạo xương mũi tại thời điểm đó. Dù không hối hận vì thẩm mỹ lỗi, nữ diễn viên vẫn rất lo lắng sau khi phát hiện mũi mình có vấn đề.

Mãi đến trước Tết Nguyên đán năm nay, sau gần 9 năm kể từ lần làm mũi đầu tiên, cô nàng đã quyết định đi làm lại mũi để yên tâm hơn. May mắn, hiện tại dáng mũi của cô nàng đã vào form, thanh tú và hài hòa.

Làm đẹp tỉnh táo

Chia sẻ với Kênh sắc đẹp, luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn luật sư TP.HCM, trong trường hợp KOL nhận tài trợ từ các cơ sở thẩm mỹ, mọi người cần xem xét lại hợp đồng hay giấy tờ mình đã ký với nhà tài trợ.

“Trong trường hợp này, phía cơ sở thẩm mỹ có phải bồi thường hay không và mức bồi thường như thế nào còn tùy thuộc vào nội dung thỏa thuận trong hợp đồng hay giấy cam kết mà phía mình đã ký trước khi làm phẫu thuật thẩm mỹ”, ông cho biết.

Trong trường hợp nếu cơ sở thẩm mỹ có lỗi và phía KOL có đầy đủ cơ sở chứng minh, cơ sở thẩm mỹ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ tùy thuộc vào mức độ thiệt hại và lỗi như thế nào.

Ngoài ra người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác theo quy định tại Điều 315 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng phổ biến, đi kèm tai biến và rủi ro cũng nhiều không kém.

Mặt khác, cần căn cứ theo các quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh để xác định người hành nghề có sai sót hoặc không có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ hay không.

Như vậy, theo luật sư Hùng, trong trường hợp này, nếu người được thẩm mỹ thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng, họ vẫn có thể nộp đơn khởi kiện ra tòa án nơi cơ sở thẩm mỹ này đóng trụ sở.

Việc xem xét như thế nào sẽ do Tòa án quyết định căn cứ dựa trên nội dung thỏa thuận của các bên trong hợp đồng, mức độ thiệt hại thực tế, kết quả giám định (nếu có)… để yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định tại Điều 584, Điều 585 Bộ luật dân sự 2015.

Người thực hiện thẩm mỹ đồng thời cũng có quyền làm đơn khiếu nại lên sở y tế nơi thẩm mỹ viện có trụ sở để được giải quyết.

Ngoài ra, luật sư Hùng cũng cho rằng cơ sở thẩm mỹ cũng cần xem xét kỹ nội dung thỏa thuận trong hợp đồng hay giấy cam kết mà phía người được thẩm mỹ đã ký trước khi làm phẫu thuật, từ đó xác định trách nhiệm của mỗi bên.

Bởi không phải lúc nào cũng mặc định trong mọi trường hợp là phía cơ sở thẩm mỹ sai, phải bồi thường.

TS.BS Hoàng Thanh Tuấn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, Học viện Quân y, Hà Nội, cho hay ngày nay, chúng ta gặp rất nhiều kiểu quảng cáo đánh vào lòng tin và mong muốn đẹp ngay, không phải phẫu thuật của chị em.

“Có người bỏ ra hàng tỷ đồng để tiêm chất làm đầy từ đầu đến chân, khi gặp biến chứng mới cầu cứu bác sĩ. Khi đến viện, bác sĩ không thể nhận diện đó là chất gì. Nhiều trường hợp biến chứng viêm nhiễm, sưng tấy, nhiều hình thái khác nhau”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E (Hà Nội), cũng nhận định nhu cầu làm đẹp ngày nay rất lớn.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn, mọi người cần tới bệnh viện uy tín hoặc các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ, bệnh viện thẩm mỹ được sở y tế hoặc Bộ Y tế cấp phép để thực hiện các thủ thuật có xâm lấn… tránh các nguy cơ gây hại cho sức khỏe.