Tạp chí sắc đẹp-Khi bắt đầu tìm kiếm tư liệu để chuẩn bị cho bài viết này, tôi chợt nhớ đến một câu nói của người giảng viên từng hướng dẫn thuở Đại học: “Người làm thời trang, trước nhất phải yêu cơ thể con người, sau mới tư duy về vải vóc và kĩ thuật”.

Không thể thiết kế nếu không hiểu trọng tâm thiết kế là gì, chủ thế sáng tạo là ai”. Có thể trong tư duy đương đại, việc may đo những chiếc váy bó ép cơ thể sẽ không khác trọng tội uy hiếp đường cong mỏng manh của nữ giới. Phụ nữ của thế kỉ này tri tôn tự do và nữ quyền thông qua áo quần và ngôn ngữ của nghệ thuật trang điểm. Thế nhưng, có bao giờ đứng trước gương soi, bạn băn khoăn liệu tất cả những gì truyền thông làng mốt đang tô vẽ về một tự do muôn năm thực sự giúp cơ thể bạn được giải phóng? Thời trang có giải phóng cơ thể con người? Hay ngược lại, chính cơ thể con người mới thực sự phá tung những xiềng xích kìm hãm sự sáng tạo của giới thời trang?

Trong Kinh thánh Cựu ước của người Cơ đốc giáo, hẳn ai cũng nằm lòng câu chuyện Eva được Đấng sáng thế tạo ra hình hài từ xương sườn của Adam. Dẫu Eva mang lỗi dụ dỗ Adam phá luật Chúa trời mà cắn vào Trái cấm, nhân loại muôn đời sau vẫn không thể ghét bỏ nàng. Đối với thời trang, cơ thể phụ nữ được xem như một thực thể mang cảm hứng để biến hoá bằng những đường cắt cúp, khúc chiết trên váy áo; hay khái niệm ăn kiêng, thể thao hoặc thậm chí can thiệp đến phẫu thuật chỉnh hình. Trước thế kỉ XX, một cơ thể được xem là hoàn hảo phải là một vóc dáng trưởng thành, phô khoe những đường cong hút mắt cùng một bờ eo thon gọn. Để tạo dựng được thân hình huyễn hoặc ấy, các nhà may bấy giờ đã tạo nên một thức áo nịt vô cùng đặc biệt, corset.

Thế kỉ XVIII, corset là phụ kiện được phụ nữ thượng lưu phương Tây đặc biệt yêu thích. Nhờ vào những sáng tạo trong công nghệ, món nội y này dần phổ biến với mọi tầng lớp trong xã hội. Cuối thế kỉ XIX, corset được sử dụng như một phần thiết yếu trong trang phục thường nhật. Đây cũng là giai đoạn đánh dấu sự ra đời của nhiều phom váy mới lạ, phá vỡ tỉ lệ cơ thể người mặc. Cuối năm 1850, giới quý tộc Âu châu đua chen sắm sửa những chiếc váy lót được thiết kế như chiếc lồng sắt để tạo độ phồng tối đa cho đầm dạ hội cầu kì. Hai mươi năm sau, những chiếc váy cồng kềnh này được thay thế khi phụ nữ muốn nhấn mạnh vào phần hông quả táo gợi cảm. Bước qua thế kỷ XX, phom dáng cồng kềnh trở nên lỗi thời. Người đàn bà rũ bỏ hình ảnh đài các để bước vào trào lưu trẻ trung, phô diễn đường cong của cơ thể. Chính trong giai đoạn này, phụ nữ được khuyến khích tham gia vào thế vận hội danh giá thế giới. Năm 1900, lần đầu tiên có 22 cô gái bước chân vào Olympic tại Pháp, nơi từng là sân chơi thể lực của riêng giới mày râu. Nhạy bén với thời cuộc, thời trang giai đoạn này được sáng tạo nhằm một mục đích duy nhất: theo chân phái đẹp khám phá thế giới.

Những chiếc váy dài tha thướt nhanh chóng bị xóa sổ bằng các thiết kế suôn rộng với độ ngắn vừa phải. Những chiếc corset lỗi thời được thay bằng trang phục lót nhẹ nhàng và thoải mái. Phát kiến lớn nhất giai đoạn này là việc nhiều nhà mốt thay thế những chất liệu nặng như satin hoặc gấm bằng thun và linen thoáng mát. Lịch sử cho rằng, thế kỉ XX là giai đoạn đánh dấu cú chuyển hướng ngoạn mục của thời trang và phong cách. Suốt những năm 1920s, phong cách flapper lên ngôi xé toạc mọi tỉ lệ trang phục cũ cùng lối ăn mặc thắt đáy lưng ong, o ép cơ thể trước đây. Những năm sau đó, trang phục của phái đẹp luôn được thay đổi để khắc họa hình ảnh phụ nữ năng động và mạnh mẽ hơn.

Thế kỉ XVIII, corset là phụ kiện được phụ nữ thượng lưu phương Tây đặc biệt yêu thích. Nhờ vào những sáng tạo trong công nghệ, món nội y này dần phổ biến với mọi tầng lớp trong xã hội. Cuối thế kỉ XIX, corset được sử dụng như một phần thiết yếu trong trang phục thường nhật. Đây cũng là giai đoạn đánh dấu sự ra đời của nhiều phom váy mới lạ, phá vỡ tỉ lệ cơ thể người mặc. Cuối năm 1850, giới quý tộc Âu châu đua chen sắm sửa những chiếc váy lót được thiết kế như chiếc lồng sắt để tạo độ phồng tối đa cho đầm dạ hội cầu kì. Hai mươi năm sau, những chiếc váy cồng kềnh này được thay thế khi phụ nữ muốn nhấn mạnh vào phần hông quả táo gợi cảm. Bước qua thế kỷ XX, phom dáng cồng kềnh trở nên lỗi thời. Người đàn bà rũ bỏ hình ảnh đài các để bước vào trào lưu trẻ trung, phô diễn đường cong của cơ thể. Chính trong giai đoạn này, phụ nữ được khuyến khích tham gia vào thế vận hội danh giá thế giới. Năm 1900, lần đầu tiên có 22 cô gái bước chân vào Olympic tại Pháp, nơi từng là sân chơi thể lực của riêng giới mày râu. Nhạy bén với thời cuộc, thời trang giai đoạn này được sáng tạo nhằm một mục đích duy nhất: theo chân phái đẹp khám phá thế giới.

Sự lên ngôi của thế hệ siêu mẫu những năm 1990 cũng dần biến chuyển ý thức về quy chuẩn thẩm mỹ. Khi bước sang thế kỷ XXI, nhiều nhà mốt lớn đã nỗ lực phá bỏ những giới hạn và cái nhìn thiển cận về phụ nữ chuẩn mực trong thời trang, từng chỉ dành cho những cô gái da trắng, tìm kiếm những vẻ đẹp đa quốc gia, đa chủng tộc.Trên sàn diễn, các nhà mốt như Becca McCharen hay Christian Siriano dần khỏa lấp danh sách casting vốn dày đặc những thân thể gợi cảm bằng những hình mẫu từng bị dè bỉu là kém chuẩn chỉnh. Những tên tuổi như Ashley Graham hay Andrej Pejic khởi sự cho cuộc cách mạng chân dài nền thời trang. Từ đây, thời trang bước vào công cuộc thay da đổi thịt, gần gũi hơn với đại chúng và khích lệ sự tự tôn bản thân trong mỗi người phụ nữ.

Năm 2017, các diễn đàn thời trang đồng loạt đăng tải hình ảnh nàng người mẫu da màu với cái tên lạ lẫm Shadu Gram. Dù là khuôn mặt mới chưa từng sải bước trên bất kì sàn thời trang, hay xuất thân từ gia phả họ tộc nào, song sự nổi tiếng của Shadu Gram lại hoàn toàn ngang hàng với những tên tuổi lừng lẫy của làng mốt hiện tại như Gigi Hadid hay Cara Delegvinge.

Hơn 116 ngàn người theo dõi trên mạng xã hội Instagram, cùng việc xuất hiện trên khắp các trang tin hàng đầu khiến công chúng không khỏi tò mò và khao khát nhìn thấy viên đồng đen Shadu Gram ra đời thực. Ấy nhưng, giữa những kì vọng của giới ái mốt, thông tin xác thực Shadu chỉ là một nhân vật hư cấu, được thiết kế bởi phần mềm đồ họa. Nhiếp ảnh gia Cameron-James Wilson, “cha đẻ” của cô gái Shadu Gram, chia sẻ rằng:“Shudu không phải là người thật. Tuy nhiên, hình ảnh tạo dựng cho Shudu được dựa trên khuôn mẫu của những người mẫu thành danh đang hoạt động. Trào lưu sủng ái những người mẫu có làn da đen bóng là cảm hứng để tôi tạo ra Shudu”.

Sau sự thành công của viên đồng đen, mạng xã hội Instagram lại tiếp tục ồn ào về nàng ca sĩ với phong cách thời trang dị biệt mang tên Miquela Sousa. Những câu hỏi vô thưởng vô phạt về khiến công chúng sôi sục hơn hẳn cô gái Shadu Gram, khi trang cá nhân của Miquela thường xuyên cập nhật những hình ảnh của chính cô xuất hiện bên cạnh những nhân vật đình đám trong giới en vogue. Thậm chí, nhân vật siêu thực này còn sở hữu single “Not Mine” vô cùng thành công và lọt vào bảng xếp hạng của Spotify hẳn hòi. Tuy sự hiện hữu của cô gái Miquela Sousa không được xác minh bởi bất kì ai, song nhiều người vẫn phỏng đoán rằng mỹ nhân này cũng là một tạo vật được tạo ra bởi kĩ thuật số.

Câu hỏi đặt ra rằng, phải chăng sự xuất hiện của hai cô gái tuy là “người ảo” nhưng lại rất quyền lực trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý của nhiều thương hiệu thời trang danh tiếng thế giới, báo hiệu cho một giai đoạn chuyển dịch mới của thời trang? Khi những nhân tố trong guồng sáng tạo của làng mốt đã ngán ngấy với những cơ thể kém hoàn hảo, luôn ám ảnh bởi số đo, thì sự xuất hiện của Shadu hay Miquela đã vô tình nhen nhúm nên một trào lưu mới trong giới chân dài. Những cô nàng bằng xương bằng thịt giờ đây phải đua chen với những khuôn mặt hư cấu.

Thế mới thấy, thời trang luôn xoay chuyển và chẳng mỏi mệt với những sáng tạo. Và giữa những trào lưu mới mẻ ấy, người ta chợt nhận ra phải chăng giới thời trang luôn hà khắc với cơ thể con người? Sự mê đắm của những kẻ thậm xưng nhà thiết kế với những vóc hình chuẩn mực đã vô tình áp đặt những quy luật bất thành văn về việc trưng dụng những cô gái mình hạc xương mai.

Tuy những năm gần đây, sự xuất hiện của những người mẫu ngoại cỡ như Ashley Graham đã dần thay đổi cách nhìn nhận của người làm thời trang về hình mẫu lí tưởng, song việc những cô gái với thân hình phốp pháp vẫn hoàn toàn thưa thớt so với tần suất và số lượng đông đảo của thân hình thanh mai trên cung đường catwalk. Những nhà mốt như Victoria Beckham hay Raf Simons cũng là những người cổ súy âm thầm cho việc đặc cách những người mẫu gầy trong những show diễn của mình. Thậm chí, ở một số thương hiệu thời trang, những quần áo ngoại cỡ hoàn toàn không bao giờ xuất hiện trong các cửa hàng hoặc thường có giá cả đắt đỏ hơn.

Dẫu thời trang có thể là người bạn trái tính, hoặc vô cùng thân thiết, hoặc luôn tìm cách phản bội cơ thể của con người, song đây vẫn luôn là mối quan hệ song hành và cộng sinh bất diệt. Trải qua hành trình dài với nhiều biến cố thăng trầm, phụ nữ ngày hôm nay đã trở nên năng động hơn hẳn so với những thế hệ tiền cựu. Khi những cuộc đấu tranh đòi bình đẳng giới và sự thúc ép của xã hội khiến phái đẹp phải bước ra khỏi căn bếp chật hẹp, hòa nhập với cuộc sống bên ngoài, áo quần cũng dần trút bỏ những chi tiết thừa thãi để phô diễn những đường cong hun hút trên cơ thể nữ giới. Thời trang của thế kỉ đương đại, không còn là khái niệm thượng tôn chỉ dành cho giới ăn trên ngồi chốc, mà dần len lỏi vào số đông. Dẫu lối tư duy bảo thủ của giới thiết kế vẫn suy tôn những hình mẫu khẳng khiu, song người phụ nữ hiện đại vẫn tìm được cách tôn vinh sự đa dạng.

Cách đây không lâu, nhà thiết kế Tim Gunn đã từng chia sẻ những tâm niệm của ông trong bài viết “Các nhà thiết kế từ chối sáng tạo trang phục cho phụ nữ Hoa Kỳ, thật đáng hổ thẹn!” được đăng tải trên tờ Washinton Post. Bài báo hoàn toàn mang chủ đích vạch trần sự thật xấu xí của giới thời trang khi những sáng tạo của họ luôn ngó lơ những người phụ nữ ngoại cỡ. Phàm thời trang luôn được ví như một ngành nghệ thuật thứ mười của nhân loại, song thức nghệ thuật này lại có mối quan hệ mật thiết với cuộc sống hơn hẳn những thi ca, nhạc họa vốn chỉ phục vụ cho nhu cầu giải trí tinh thần.

Hơn hai thể kỉ trôi qua, thời trang luôn xoay vòng xung quanh câu chuyện của những mẫu hình lí tưởng trong xã hội. Điều này hình thành một định kiến lệch lạc về tư duy và sáng tạo của các nhà thiết kế trong suốt thời gian dài. Vậy nên, sau nhiều thế kỉ binh chiến tinh thần, ngành thời trang đương đại vẫn đang đấu tranh giành sự bình đẳng cho mọi kích cỡ và phom dáng.
Theo nhà thiết kế Tim Gunn, khi mặc một bộ trang phục không vừa vặn với cơ thể, đừng đặt câu hỏi “Cơ thể của tôi có vấn đề gì?” mà nên vấn đáp ngược lại rằng “Những bộ quần áo này có vấn đề gì”. Đừng quy chụp bản thân rằng chỉ bạn mới có vấn đề hình thể, mà ngay cả những người phụ nữ xung quanh cũng có vô số những câu chuyện tế nhị về vóc dáng, những khiếm khuyết cần che khuất. Đây chính là thời điểm để các nhà thiết kế có sự nhìn nhận mới mẻ về cơ thể con người, đặc biệt là phụ nữ. Sau một thế kỉ thời trang giải phóng cơ thể nữ giới khỏi những quy chuẩn hà khắc của lễ nghi và tôn giáo, đây chính là lúc họ giải phóng những suy niệm cổ hủ của ngành mốt suốt nhiều năm qua. Để kết thúc cho bài viết của mình, nhà thiết kế Tim Gunn đã chia sẻ:“Phụ nữ đừng nên tưởng tượng quá viển vông với cơ thể của bạn, mà hãy biết trân quý mọi điều tự nhiên ban tặng. Bạn không thể thay đổi hay cắt bỏ cơ thể của mình. Hãy cảm nhận sự chân thật, và bạn sẽ tìm thấy được phong cách đúng đắn nhất với chính mình”.