Câu chuyện về A: một nhân viên chăm chỉ quá sức đến kiệt sức
A là một nhân viên chăm chỉ, chăm chỉ đến… kiệt sức. Những tháng đầu tiên bước vào công ty, A dồn hết tâm sức của mình với mong muốn có thể sớm đem lại những thành quả nhất định. Những tưởng mọi thứ vẫn ổn thì… A đổ bệnh.
Chẳng phải là gãy tay, viêm ruột thừa hay sỏi thận gì, mà là, A suy nhược thần kinh. A viết một email xin sếp cho nghỉ một đến hai tuần để đi du lịch, nghỉ ngơi, “refresh” lại bản thân. Đồng nghiệp sửng sốt, sếp càng sửng sốt hơn khi biết rằng suýt tí nữa thì A đã bị trầm cảm, may là gặp bác sĩ tâm lý kịp thời.
Ở công ty, A luôn là người vui vẻ, hoà đồng, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc và cũng nhiều lần được tuyên dương là nhân viên xuất sắc của tháng. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau đó, A đã làm việc liên tục 60 tiếng/tuần trong mấy tháng liền.
Không biết đã có ai thấy bóng dáng mình đâu đó hay chưa? Nhưng nếu như bạn đang làm việc quá 60 tiếng một giờ thì hãy ‘phanh’ gấp, vì sớm hay muộn thì sức khoẻ tinh thần của bạn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đó là chưa kể, những căn bệnh về thể chất cũng sẽ kéo theo ngay sau đó nếu không ‘phanh’ kịp thời – bao tử, tiểu đường, tim mạch, huyết áp, thần kinh, v.v.
Có đến ¼ người lao động mắc phải những tổn thương tâm lý vào một số thời điểm nhất định trong cuộc đời nhưng họ không hề biết. Và vấn đề về sức khoẻ tinh thần này là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất làm việc của người lao động. Ở một “level” nhất định nào đó, chúng ta vẫn có những phương pháp nhất định để giải quyết các vấn đề về sức khoẻ tinh thần.
Nhân viên “căng thẳng quá mức” có dễ dàng để giải quyết hay không?
Có một số vấn đề mà không phải ai cũng có thể sớm nhìn ra và giải quyết.
Chẳng hạn như, nhà quản lý phải đối mặt với bài toán khó: “Làm thế nào để cân bằng giữa việc quan tâm đến các nhân viên, nhưng đồng thời vẫn phải biết “điểm dừng” và tôn trọng những khoảng riêng tư của họ?”. Nhà quản lý dù có tài giỏi cách mấy cũng không phải là “thánh nhân” trên trời và khó có thể “nhìn xuyên thấu” tất cả các nhân viên của mình rằng họ có đang gặp phải những vấn đề sức khoẻ tinh thần hay không, nếu có, thì ở “level” nào.
Bản thân nhân viên, cho dù họ có là người tự tin để trình bày với sếp rằng: “Sếp ơi, em căng thẳng quá, cho em nghỉ vài hôm”, thì đảm bảo rằng, họ vẫn sẽ cảm thấy thoải mái hơn để kiếm cớ xin off một vài ngày, thay vì nói thẳng với sếp về những áp lực của mình.
Sự căng thẳng của nhân viên cũng cần được nghiêm túc xem xét
Có rất nhiều lý do để bất kỳ ai mắc phải các chứng bệnh tâm lý, chẳng hạn như: Ly hôn, người thân qua đời, thất tình, vỡ nợ, áp lực trong công việc.. Trong một số trường hợp, một số người sẽ bị ảnh hưởng tinh thần trong một thời gian dài.
Và vài người trong số họ cũng sẽ cần nhiều thời gian để nghỉ ngơi để có thể quản lý được cơn stress. Nếu họ vẫn cứ tiếp tục cố gắng mà không hề cho phép bản thân mình nghỉ xả hơi, thì rất có thể hiệu quả công việc sẽ không cao, và sức khoẻ của họ cũng sẽ trở nên tệ hơn.
Một nghiên cứu năm ngoái cho thấy rằng, có đến 85% người lao động cảm thấy họ sẽ “bị kỳ thị” khi phải nói lên các vấn đề về sức khoẻ tinh thần của họ trong lúc quá trình việc. Khi phải đối mặt để giải quyết với các vấn đề sức khoẻ tinh thần, các nhân viên sẽ có xu hướng nói với người quản lý rằng: “Tôi cần một ngày nghỉ vì tôi bị cảm/đau bụng/sốt”. Họ cho rằng lý do như thế này thì nhiều người sếp sẽ dễ dàng thông cảm và chấp nhận hơn.
Về phía nhà quản lý, có vẻ như đây là điều đáng ngạc nhiên khi bỗng dưng một nhân viên giỏi lại bảo rằng họ đang gặp những khó khăn về mặt tinh thần. Thế nhưng, các nhà quản lý cần thấu hiểu rằng, vài ngày “off” vì vấn đề sức khoẻ tinh thần chưa chắc có thể giúp nhân viên chấm dứt sự mệt mỏi ngay lập tức, và người sếp cần phải tôn trọng những ngày nghỉ như vậy.
Môi trường làm việc lý tưởng là nơi nhà quản lý có thể hỗ trợ hết mình và nhân viên hãy cứ chân thật như cách mà họ cần nên như vậy
Chẳng có gì là sai trái khi bạn trình bày với sếp của mình rằng: “Sếp ơi, em căng thẳng quá, cho em nghỉ vài hôm”. Cố gắng vì công việc là một điều hết sức cần thiết. Cho dù bạn có yêu thích công việc của mình đến đâu, khát khao thành công đến đâu thì bạn cũng cần biết rằng không ai trong số chúng ta là “miễn nhiễm” với các vấn đề sức khoẻ tinh thần.
1 – Sức khoẻ thể chất hay sức khoẻ tinh thần cũng đều quan trọng như nhau
Bạn nên nhớ rằng không có gì là phải xấu hổ khi trình bày với sếp những căng thẳng mà bạn đang gặp để xin sếp cho phép nghỉ vài ngày. Chính sự xấu hổ sẽ khiến cho tình trạng của bản thân chúng ta trở nên tồi tệ hơn, dù cho bạn vẫn làm việc ở đây, hay ở những nơi khác.
2 – Tập trung vào năng suất và khả năng thực hiện công việc của bạn
Trong quá trình trao đổi với sếp về các vấn đề tinh thần mà bạn đang mắc phải, hãy tập trung vào việc sức khoẻ tinh thần đã ảnh hưởng đến công việc và năng suất của bạn như thế nào, thay vì cứ mãi luyên thuyên về cảm giác của bạn. Bằng cách này, bạn (và sếp) có thể dễ dàng đưa ra những phương pháp để cải thiện tình hình tốt hơn.
3 – Dẹp bỏ những lo lắng về “sự kỳ thị”
Sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người mắc phải các chứng bệnh về sức khoẻ tinh thần là điều không được phép tồn tại ở thế kỷ XXI. Hơn cả, các doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm hơn trong việc tăng cường các hoạt động cải thiện sức khoẻ tinh thần cho người lao động và giáo dục họ về tầm quan trọng của sức khoẻ tinh thần cũng như sức khoẻ thể chất.
Trường hợp bạn đang gặp phải công ty có những phản ứng xấu với các nhân viên bị mắc phải các vấn đề tinh thần, thì hẳn là công ty đó đang có vấn đề gì đó về giá trị cốt lõi. Việc tiếp theo mà bạn cần phải làm? Điều đó tuỳ thuộc vào bạn.
4 – Hãy lên tiếng
Bằng cách này, không chỉ bạn đang giúp chính bản thân mình mà còn giúp công ty của bạn và những nhân viên tương lai – những người có thể mắc phải trường hợp tương tự giống như bạn trong tương lai.
Công ty đã đầu tư cho bạn khá nhiều thời gian để đào tạo kiến thức, kỹ năng cho bạn, chỉ với mong muốn là bạn có thể làm việc hiệu quả. Thế nhưng, khi bạn chán nản, căng thẳng, lo âu và thậm chí là trầm cảm thì những điều này có thể đánh mất đi tất cả những công sức, kỳ vọng của công ty. Bằng cách lên tiếng, bạn đang tự giúp chính mình và giúp chính công ty.
Nếu muốn hạnh phúc và có thể đi đường dài, hãy dám lên tiếng. Dù đúng là, nói thì có vẻ dễ hơn làm, nhưng chẳng có lý do gì có thể ngăn cản bạn để sống hạnh phúc, khoẻ mạnh trong sự nghiệp ngoài bạn cả.
Theo Trí Thức Trẻ