Lần gần nhất tôi đến Sa Pa cũng cách đây cả nửa thập kỷ rồi, từ cái thời còn chưa có cáp treo, đi cùng ông bà bố mẹ, thành ra mọi người không leo nổi đến đỉnh. Chính vì thế mà lần này tôi quyết tâm “phục thù”, đi cùng lũ bạn trẻ khoẻ như này càng không ngại. Nói gì thì nói, việc đặt chân đến nơi gọi là “nóc nhà Đông Dương” là một điều đáng để tự hào lắm chứ bộ!
Từ trung tâm thị trấn, chúng ta có thể đi tàu hoả đến thẳng ga cáp treo. Ngồi bên trong toa tàu nhìn ra cả thị trấn Sa Pa sương khói mờ ảo, một bên là nhà cửa san sát, bên là núi đồi trập trùng, phía dưới còn có những thung lũng, những cánh đồng ruộng bậc thang…
Khi tàu hỏa chạy qua đường hầm cuối cùng để lên đến sân ga đi Fansipan, đón chúng tôi là một nhà ga hình mái vòm phủ kính lộng lẫy. Liên tưởng dễ nhất thì hơi giống… nhà kính ươm cây giữa đồi hoa hướng dương. Và đứng từ góc tàu đi lên này chụp hình giữa vườn hoa thì đẹp thôi rồi! À, yên tâm là sẽ chụp được vì có một con đường nhỏ để đi xuống vườn hướng dương nha. Trước khi lên Fansipan, tôi có tham khảo trước một vài review trên mạng, thì dân tình bảo lên nhà ga này thôi rồi… đi về cũng được. Vì nơi này “tây” quá, giống châu Âu quá, “sống ảo” thế là đủ rồi! Nào là lối kiến trúc nhà ga Pháp hiện đại, đồi hoa hướng dương và cánh đồng cỏ roi ngựa tím mộng mơ (mà mọi người cứ cãi nhau là hoa oải hương hay hoa sim, cuối cùng là cỏ roi ngựa tím ạ), rồi còn có cả lễ hội nữa. May mắn thay chúng tôi đi chuyến này đúng đợt Sun World tổ chức lễ hội “Vũ điệu trên mây”, nếu ai còn đi Sa Pa đến tháng 10 năm nay thì vẫn kịp xem nhé!
Dân tình bảo lên nhà ga thôi là đủ, nhưng ai lại thế, mục đích chính của chúng tôi là đỉnh Fansipan cơ mà (cho dù đi bộ ở nhà ga chụp ảnh xong cũng mỏi nhừ chân rồi). Tất cả mệt nhọc, tất cả băn khoăn đều tan biến khi tôi đứng trước buồng cáp treo để di chuyển lên Fansipan, thay vào đó là… Trời ơi, trong đoàn 4 người thì cả 4 đứa giờ mới biết… đều sợ độ cao!
Ngồi bên trong cáp treo, 4 đứa 4 góc buồng, dù sợ nhưng đáng nhớ lắm! Hoà mình vào không gian hùng vĩ của núi rừng đã trở thành một trải nghiệm vô cùng đáng nhớ của chúng tôi khi đến với Sa Pa. Ở độ cao này, chúng ta có thể ngắm nhìn núi rừng bên dưới với những cây gạo, cây cơi, cây mít hay vô vàn loài hoa như đỗ quyên, hoa lan… Thỉnh thoảng, đâu đó lại xuất hiện những con suối chảy trắng xoá như dải lụa vắt ngang qua triền núi. Có đi thì mới biết, công nhận thiên nhiên nước mình đẹp quá, những khung cảnh như này quý giá vô cùng…
Bước ra khỏi khoang cáp treo, từ sợ độ cao, 4 đứa chuyển sang… sợ cao độ. Ta nói lạnh đến tận xương tuỷ luôn á! Bao nhiêu áo khoác, khăn quàng lập tức được lôi hết ra trưng dụng. Bởi vậy mới thấy, chuyện lên Sa Pa phải mang theo cả áo khoác đại hàn là có thật, có thật đó! Cũng may, từ đây lên tới đỉnh Fansipan thì không khí lại ấm dần lên, cảm giác bắt đầu dễ chịu hơn hẳn sau một vài (chục) bậc cầu thang.
Ở ga đến của cáp treo, du khách sẽ bắt gặp ngay Bích Vân Thiền Tự – nơi mà rất nhiều người dừng lại để cầu nguyện cho người thân, gia đình được bình an. Đi tiếp qua cổng Thanh Vân Đắc Lộ, lên nhiều bậc đá nữa, chúng ta còn được ngắm nhìn Kim Sơn Bảo Thắng Tự với nhiều pho tượng Phật được chế tác rất kỳ công…
Từ đây, bạn có 2 cách để lên tới đỉnh là đi bộ thêm khoảng 600 bậc thang hoặc đi tàu hoả leo núi đến lên đến đỉnh. Ở trên đường đi, bạn có thể ghé thăm Đại Tượng Phật A Di Đà – tượng đồng cao nhất Việt Nam (21,5 mét), được coi là biểu tượng của văn hóa tâm linh ở Fansipan. Chúng tôi chọn đi lên bằng tàu leo núi và đi bộ xuống để có thể thử cả 2 trải nghiệm này.
Đi thêm một đoạn ngắn nữa thôi là đặt chân tới đỉnh Fansipan rồi! Hồi còn cắp sách đến trường, dù đã thuộc làu làu câu “Đỉnh Fansipan cao 3143 mét, là nóc nhà Đông Dương…”, nhưng thú thật, tôi chưa bao giờ dám chắc mình có thể chinh phục được độ cao hùng vĩ như thế bằng đường bộ, và tôi đảm bảo nhiều người trẻ như tôi cũng vậy. Nhưng nhìn xem, nhờ có cáp treo Fansipan Legend mà thế hệ trẻ như tôi đã làm được rồi này! Cho dù là bằng hình thức nào đi chăng nữa, nhưng được chạm tay lên cột mốc cao nhất Đông Dương cũng đều là cảm giác mới mẻ và đáng tự hào như thế. Đây là một trải nghiệm không nên bỏ lỡ, thế nên hãy cố gắng đến với đỉnh Fansipan ít nhất một lần trong đời nhé!
Trong tâm thức của nhiều du khách (trong đó có tôi), Sa Pa là nơi chỉ có núi rừng, các bản làng mộc mạc chứ ít ai nghĩ rằng sau vài năm ngắn ngủi, nơi đây lại có thể trở thành chốn nghỉ dưỡng dành cho giới thượng lưu xa hoa như vậy. Tôi tin chắc chúng ta đều sẽ phải nghĩ lại, như tôi đã “đứng hình” đúng 2 phút khi bước vào khách sạn Hotel de la Coupole, MGallery by Sofitel nằm giữa trung tâm thị trấn. Lộng lẫy, quyến rũ và nguy nga như một cung điện thực sự!
Nói không ngoa, MGallery như hiện thân của cung điện Versaille nước Pháp giữa núi rừng Sa Pa. Là “con đẻ” của vị kiến trúc sư dị biệt Bill Bensley, khách sạn này sử dụng rất nhiều chất liệu, cổ vật được ông mang đến từ Pháp và nhiều nước khác sau những chuyến đi, kết hợp với màu sắc của bản làng và núi rừng Tây Bắc.
Tôi vào khách sạn với tư cách là khách tham quan, nếu không phải là khách book phòng ở MGallery thì bạn vẫn có thể đến khu vực sảnh khách sạn, ghé tiệm bánh hay lên tầng thượng uống cafe, vào quán bar, ra cầu kính chụp ảnh nhé! Lượn “sương sương” thế thôi cũng đủ ảnh “sống ảo sang chảnh” cho cả năm trời rồi đó…
Nhìn chung, không gian khách sạn là sự kết hợp hài hoà, nổi bật của kiến trúc Pháp cổ hơi hướng thời trang cao cấp thế kỷ 19, xen lẫn với những sắc màu và hoạ tiết nhấn nhá của văn hoá Tây Bắc. Từng ngóc ngách nhỏ đều được kiến trúc sư chăm chút bằng những món đồ trang trí cổ được Bill Bensley mang về sau những chuyến đi xa như rương hòm, mũ, ống chỉ, những cuốn sách cổ, các bộ váy lộng lẫy…
Chưa hết, Hotel de la Coupole MGallery by Sofitel còn khiến chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi những không gian, dịch vụ xa hoa bậc nhất.
Nếu dưới tầng 1 có cửa hàng bánh ngọt Cacao ấm cúng và sang chảnh với cầu thang xoắn ốc thì nhà hàng Chic ở tầng thượng lại mang đến cảm giác cao cấp, mới lạ. Khu vực nhà hàng này được thiết kế như một show diễn thời trang haute couture, với sàn catwalk được bao phủ bởi những bộ trang phục thời thượng và một “bữa tiệc buffet” của vô số suốt chỉ và máy khâu. Bên cạnh đó, quầy bar ở tầng thượng lại đưa người ta đến với một cảm giác khác – sống trong bầu không khí của quý tộc Pháp thời xưa.
Với tuyệt tác này, Sa Pa nhanh chóng trở thành một điểm sáng trên bản đồ nghỉ dưỡng toàn cầu với một định nghĩa mới: du lịch cao cấp – định nghĩa mà chẳng ai nghĩ nó sẽ xảy ra ở giữa núi rừng Tây Bắc này. Sa Pa giờ đây không chỉ có núi rừng, không chỉ có mây mù che đỉnh Fansipan sớm chiều hay ruộng bậc thang, thung lũng hoa, mà còn lại một địa chỉ nghỉ dưỡng hạng sang có đẳng cấp quốc tế. Và với những ai mê “check-in”, thì MGallery cũng mở cửa để đón khách tham quan, ké background sang chảnh này một tý cũng đủ mãn nguyện rồi!
Nói thật, dù từng đi Sa Pa, ở cũng trên dưới 1 tuần nhưng tôi vẫn chưa ăn được hết những món đặc sắc ở đây, vì nhiều quá và ngon quá… Nhưng chao ôi, đi du lịch mà bỏ qua phần ẩm thực thì đúng là “không có cái dại nào như cái dại này”, nhất là khi đi Sa Pa!
Đến Sa Pa là phải ăn đồ nướng!
“Xiên nướng” – tên gọi nói chung của những quán bán đồ nướng ở đây, dù là trong nhà hàng hay quán vỉa hè, các món đều được làm rất hấp dẫn, dậy mùi và chế biến trực tiếp trước mặt khách hàng. Những nơi bán đồ nướng ở Sa Pa cũng nhiều vô kể, buổi tối ở trung tâm thị trấn, đi 5 mét chắc phải gặp đến chục quán.
Tất nhiên, tôi cũng phải khuyên thật với bạn rằng, ăn đồ nướng Sa Pa thì thú vị nhất chính là trải nghiệm cái cảm giác ngồi ngoài trời, phía dưới một tấm bạt căng tạm nào đó, rồi vừa hít hà cái không khí lạnh của buổi đêm, vừa nhâm nhi những chiếc xiên nóng hổi mà chủ quán vừa nướng xong, như thế mới là thích. Đâu cần gì cầu kỳ đâu, bộ bàn ghế nhựa ngồi ngoài trời, vài cốc nước ngọt, chục chiếc xiên dưới trời Sa Pa về đêm có chút rét… nghĩ thôi cũng đủ sướng rơn rồi!
Chúng tôi chọn một quán nướng nằm ngay giữa khu vực chợ đêm, hoà vào dòng người nhộn nhịp, hoà vào cái lạnh Tây Bắc buổi tối, cùng nhau nhâm nhi những chiếc xiên nướng nóng hổi: thịt lợn rừng nướng, bò cuốn cải mèo, bánh ngô nướng, rồi cả trứng nướng và cơm lam… Tất cả mang đậm hương vị đặc trưng của núi rừng. Lạ lạ ngon ngon, và nó là kiểu hương vị mà chẳng thể tìm đâu ở Hà Nội được.
Ăn uống no say, trên đường đi bộ lang thang trong chợ đêm, tôi còn bắt gặp mấy hàng bán hạt dẻ, thế là không kìm lòng mà mua luôn một bịch thật to. Đi cả nhóm đông người mua một bịch hạt dẻ nướng, cô bán hàng đon đả đảo tay và miệng cười không ngừng, trở về phòng với chiếc bụng ấm và những câu chuyện cười nói rôm rả…
Đi Sa Pa, mọi người còn bảo nhau rằng phải ăn thử cá tầm cá hồi ở đây nữa. Lên núi mà lại đi ăn cá, nghe cũng kì kì, ấy vậy nhưng cá ở đây ngon thật sự! Cá tầm, cá hồi chắc thịt mà còn ít mỡ, lại được làm thành đủ món gỏi, lẩu… nên tha hồ mà lựa chọn. Rồi còn lợn bản, gà bản, các loại rau rừng với những cái tên “lạ hoắc” như cải mèo, mầm đá… nữa. Thêm nữa vài món đậm chất H’Mông như khâu nhục, thắng cố… nữa cho đúng chất Tây Bắc nhỉ?
Xem nào, sơ sơ cũng có lẩu cá tầm, gỏi cá hồi, gà đen hầm bí ngô, cải mèo xào tỏi, gà bản nướng tiêu xanh, lợn cắp nách nướng, khâu nhục, thắng cố… Dăm ba món thôi đã thấy bày kín bàn như một bàn tiệc rồi. Để mà ăn hết những món đặc sản núi rừng này thì phải ở trên Sa Pa nguyên một tuần mất!
Sáng lên Fansipan, trưa đi ăn lợn bản, rồi đi đâu tiếp nhỉ? Chắc chắn là không thể thiếu những quán cafe hay background chụp ảnh cực đỉnh ở Sa Pa rồi! Ngoài những địa điểm du lịch nổi tiếng, thì Sa Pa cũng có vô vàn tiệm cafe và các homestay cực chill cho chúng ta ểnh ương, “để Mị list cho mà nghe” nhé!
Đi lòng vòng trong thị trấn, đếm sơ sơ cũng phải có đến chục quán cafe view núi rồi, cứ như một loại “đặc sản” ở đây vậy. Thường thì cái việc đi cafe và chụp ảnh đã là hai việc không thể tách rời nhau rồi, nhưng đến với những quán cafe view nhìn ra núi ở Sa Pa, có lẽ chẳng thiết bị nào lưu giữ được khoảnh khắc tuyệt vời đó bằng chính đôi mắt. Ở Sa Pa, chúng ta rất dễ bắt gặp những quán cafe, khách sạn hay homestay nhìn thẳng ra đồi núi điệp trùng, một số góc còn nhìn được cả đỉnh Fansipan mây mù che phủ, tha hồ mà check in sống ảo.
Không chỉ chụp ảnh, trải nghiệm cái cảm giác ngồi ở một nơi thật cao, trước mặt là mây và núi, gọi một ly cà phê hay tách ca cao nóng rồi ngồi nhâm nhi ngắm núi rừng thì cũng ểnh ương lắm chứ đùa à? Luôn có đủ bàn view núi cho khách đến uống cafe ở Sa Pa, sao không buông điện thoại xuống một lúc và thực sự tận hưởng quang cảnh tuyệt vời trước mắt nhỉ?
Rồi, không chỉ có tiệm cafe đâu! Vài năm gần đây, ở Sa Pa, các quán bar, tiệm trà bánh… cũng xuất hiện nhiều hơn. Đúng là năm nào Sa Pa cũng tràn ngập những điều mới mẻ với du khách. Muốn “sang – xịn – mịn”? Có ngay “sang – xịn – mịn” hết nấc luôn!
Đầu tiên phải kể đến quán bánh ngọt Cacao thuộc khuôn viên khách sạn Hotel de la Coupole, MGallery by Sofitel. Chắc chắn bước vào đây bạn sẽ cảm thấy như những “Sir and Madam” (những quý ông và quý bà) đang tận hưởng buổi trà chiều sang trọng và ngọt ngào trong không gian được trang trí tỉ mẩn theo phong cách Pháp cổ điển. Từ những món bánh ngọt cầu kỳ, đến socola Marou trứ danh và đồ uống tinh tế… đều được thực hiện và bày biện hoàn hảo, đến độ mọi chi tiết đều toát lên vẻ thượng hạng và cao cấp!
Nhắc đến “Pháp”, “có gu” hay “cổ điển” ở Sa Pa thì không thể bỏ qua Absinthe – quán bar với view đẹp nhất Sa Pa trên tầng 10 của khách sạn Hotel de la Coupole – MGallery. Một vòng dạo quanh không gian rộng lớn của Absinthe, tôi chỉ biết thốt lên: “Trời ơi sang quá là sang!!!”.
Vẫn giữ nguyên lối decor chung của khách sạn và tiệm bánh Cacao, Absinthe ấy vậy lại có thêm chút điểm nhấn với những chi tiết thời trang cổ điện lấy cảm hứng từ sự quyến rũ và tinh tế của Coco Chanel. Đặc sắc nhất chính là ở những đồ vật, trang phục, nội thất do chính tay kiến trúc sư đem từ Pháp sang để trang trí cho gian phòng. Tuy đậm chất Pháp là thế, nhưng đồ uống ở quầy bar lại có những loại cocktail đặc trưng được tạo ra từ nguồn cảm hứng Sa Pa bằng cách sử dụng rượu vang địa phương, thành quả là những ly cocktail signature được khách ưa thích, có thể kể đến Cocktail Hoa cúc – Absinthe Chrysanthemum hay Channel your inner Coco.
Nếu muốn đổi gió khỏi không gian kiểu cách Pháp cổ điển, muốn gì “bay bay” hơn chút thì du khách đến với Sa Pa vẫn còn khối lựa chọn để “chill” buổi tối, điển hình như quán bar BB Sky Lounge trên tầng 5 của khách sạn BB Hotel Sapa. Thấp thoáng một vài góc bài trí theo kiểu hộp đêm ở Mỹ, bù lại BB Sky Lounge có không gian ngoài trời với dàn hoa hồng và view thị trấn khá lãng mạn. Tất nhiên là vào buổi tối, khi đèn được chăng lên thì còn lung linh hơn nữa rồi!
Nếu không muốn vào quán cafe, tiệm bánh hay quán bar thì Sa Pa vẫn còn vô số background xịn sò cho ra những kiểu ảnh nức lòng người xem. Giờ cứ thử tìm hashtag #Sapa trên Instagram xem, kiểu gì cũng… vơ vội được cả chục kiểu ảnh check-in trước cửa nhà ga tàu hoả leo núi lên Ga đi cáp treo Fansipan – Sun Plaza Sapa Station. Là biểu tượng cho sự phát triển vượt bậc của Sa Pa, theo lối kiến trúc mang hơi hướng Pháp với mái vòm, đồng hồ, cửa sổ chia ô viền đen, hành lang lát đá hoa thời xưa cũ…, tòa nhà này được đông đảo giới trẻ chọn làm background cũng là điều… dễ hiểu.
Bật mí một tips nhỏ cho những ai muốn có kiểu ảnh “ra trò” ở đây: cứ đợi đến gần nửa đêm, khi dân tình đi chơi về khách sạn hết, chạy ù ra trước sảnh Sun Plaza Sapa tha hồ chụp ảnh, đảm bảo vắng vẻ, không bị dính người lạ vào hình!
Ngoài ra, gần đây giới trẻ liên tục truyền tay nhau loạt ảnh chụp tại background bể bơi với bữa sáng “sang chảnh” ở Sa Pa. Định vị nhanh địa chỉ này có tên là Loving House trên đường Điện Biên Phủ – homestay đầu tiên ở Sa Pa có bể bơi ngoài trời. Như “hổ mọc thêm cánh”, giờ dân tình lên Sa Pa còn có thể có những tấm hình “thần thái” ở bể bơi rồi, mà giá đặt phòng homestay cũng hợp lý, tiết kiệm hơn so với resort hay khách sạn nữa.
Đến Sa Pa ngày nào cũng đi bộ cả chục cây số, thú thật là tôi chỉ muốn… nằm trong khách sạn nghỉ ngơi ngày cuối trước khi check-out thôi. Nhưng không, cô bạn đi cùng lại nằng nặc lôi tôi dậy để đi Ô Quy Hồ… Thế là với tâm trạng ngái ngủ, tôi miễn cưỡng phóng xe máy lên đường. Và ơn giời, cảm ơn cô bạn đã ép tôi đi bằng được!
Chặng đường dài trên dưới 15 cây số từ trung tâm thị xã Sa Pa lên Ô Quy Hồ, đi mất khoảng 30 phút thôi cũng đã đem đến cho tôi đủ mọi cung bậc cảm xúc.
Những đoạn đường rời xa thị trấn đầu tiên, cảm giác sảng khoái lùa qua từng kẽ tóc, một bên là rừng, một bên là núi, ôi… mình ta đi giữa hoang sơ! Rồi sau đó đến những lúc gạt số để lên dốc, xuống dốc liên tiếp, dần dần nhiệt độ khi lên cao hạ thấp, đột ngột lại thấy rùng mình. Càng lên cao, không khí càng loãng, mây và sương nhiều, trời hôm ấy còn hơi mưa nên tôi và cô bạn ngồi sau có chút sợ hãi. Nhưng khi vượt qua đám mây đó, vụt lên phía trước, trong 10 phút liền tôi đã tự bất giác đi chậm lại để ngắm nhìn khung cảnh đèo Ô Quy Hồ hùng vĩ và tráng lệ trước mắt.
Với những ai có ý định chinh phục con đèo này, thời điểm đẹp nhất nhất chính là hoàng hôn ở Ô Quy Hồ. Đỗ xe máy và tạt vào quán bên vách núi, gọi vài quả trứng nướng và ống cơm lam, nhấp ngụm trà cỏ ngọt…, những trải nghiệm này đâu có dễ gặp lại nhiều lần trong đời?
Tips quan trọng dành cho những ai lên Ô Quy Hồ săn hoàng hôn, vì thời tiết thay đổi rất nhanh, mặt trời vừa xuống là trời sẽ tối hẳn chỉ trong 10 phút, nhiệt độ giảm ngay lập tức và còn có thể có mưa nặng hạt nữa. Chính vì vậy mà nếu có ý định lên Ô Quy Hồ lúc mặt trời sắp lặn thì nhớ chuẩn bị thêm áo mưa, áo khoác dày cho chiều trở xuống nhé!
Ngoài ra trên cung đường từ thị trấn Sa Pa lên Ô Quy Hồ, nếu để tâm tới không gian xung quanh, du khách sẽ bắt gặp đồi chè Ô Long – một điểm đến mới được phát hiện gần đây, cách sân ga lên cáp treo Fansipan 2 kilomet về phía Ô Quy Hồ. Mặc dù không được vào trực tiếp bên trong, nhưng đứng từ trên cao thu vào tầm mắt đồi chè bao la, xanh rì này, chụp một tấm ảnh làm kỷ niệm thì cũng đủ dâng trào cảm hứng rồi. Cạnh đồi chè là vườn hồng Sa Pa, khách du lịch có thể vào thăm và mua hoa một số khung giờ trong ngày.
Đến Sa Pa nếu chịu khó hỏi han đường sá và đi khám phá, du khách sẽ có cơ hội ghé thăm bản làng của những người dân tộc Tây Bắc hiền lành, chân chất (người H’Mông, người Dao, người Tày…) và trải nghiệm cuộc sống của họ. Yên tâm đi, ở Sa Pa còn rất nhiều bản làng ít hoặc chưa được khám phá, mang đậm chất vùng cao từ gian nhà, trang phục, ẩm thực… đến phong tục tập quán, đời sống con người, có thể liệt kê một vài bản như: Sín Chải, Nậm Sài, Ý Linh Hồ…
Khi mở lòng với Sa Pa, thiên nhiên sẽ mở lòng với ta!