Một giấc ngủ kém chất lượng có thể tác động tiêu cực đến gần như mọi bộ phận trên cơ thể. Đây là lý do Viện Y học về Giấc ngủ Hoa Kỳ và Hiệp hội Nghiên cứu Giấc ngủ thường xuyên khuyến cáo, người trưởng thành nên chợp mắt ít nhất 7 tiếng mỗi đêm để có sức khỏe tối ưu.
Não bộ
Não là một trong những bộ phận hoạt động mạnh nhất khi cơ thể tiến vào trạng thái ngủ. Theo TS Carl W. Bazil (trưởng bộ phận nghiên cứu về động kinh và giấc ngủ tại khoa Thần kinh, Trung tâm Y tế Đại học Columbia, New York), khi chợp mắt, bộ não sẽ xử lý thông tin bạn thu được trong ngày, hình thành ký ức mới, củng cố những điều học được và loại bỏ thứ không cần thiết ghi nhớ. Do đó, bộ não không thực sự xử lý và giữ lại thông tin, bạn hoàn toàn có thể quên sạch mọi thứ học được lúc thức đêm ôn thi vào sáng hôm sau.
Ngoài ra, Meena Khan, chuyên gia y khoa kiêm nhà thần kinh học tại Trung tâm y tế Wexner trực thuộc Đại học bang Ohio ở Columbus, Ohio cho biết, thói quen thức khuya sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc ra quyết định, giải quyết vấn đề và cảm xúc của con người. Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), thiếu ngủ cũng liên quan đến trầm cảm , tự tử và các hành vi bạo lực.
Mắt
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Sleep đã chỉ ra, những người bị thiếu ngủ thường có nhiều quầng thâm, mắt sưng đỏ hơn người ngủ trong 8 tiếng mỗi đêm.
Giấc ngủ bị xáo trộn khiến các cơ quanh mắt không được nghỉ ngơi đầy đủ
Không những vậy, Anil Rama, bác sĩ tại Trung tâm Khoa học và nghiên cứu Giấc ngủ Stanford ở Palo Alto, California cho biết, giấc ngủ bị xáo trộn khiến các cơ quanh mắt không được nghỉ ngơi đầy đủ, từ đó gây nên hiện tượng co thắt cơ mắt. Triệu chứng này gây khó chịu không nhỏ dù không ảnh hưởng đến thị lực.
Mũi
Khi bạn chợp mắt, cơ thể thúc đẩy hệ thống miễn dịch loại bỏ các tế bào và tác nhân gây viêm nhiễm ra ngoài. Tuy nhiên, thói quen thức khuya sẽ làm gián đoạn hoạt động này. Một nghiên cứu vào tháng 9 năm 2015 đăng trên tạp chí Sleep đã cho thấy, những người chợp mắt ít hơn 6 tiếng mỗi đêm có nhiều khả năng mắc bệnh khi tiếp xúc với virus gây cảm lạnh.
Tim
Nếu bạn không ngủ đủ, huyết áp sẽ tăng trong thời gian dài mà không được kiểm soát. Điều này rất dễ dẫn đến chứng tăng huyết áp mãn tính, một trong những tác nhân hàng đầu gây bệnh tim và đột quỵ.
Theo chuyên gia Bazil, khi nhịp thở bị rối loạn liên tục, huyết áp sẽ dao động nhanh chóng và tạo áp lực cho tim. Không những vậy, thiếu ngủ cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe tim bằng cách làm bạn mất đi thói quen ăn uống lành mạnh, thường xuyên căng thẳng và lười tập thể dục.
Nếu bạn không ngủ đủ, huyết áp sẽ tăng trong thời gian dài mà không được kiểm soát.
Cân nặng
Theo nghiên cứu vào tháng 2 năm 2019 được công bố trên tạp chí Current Biology, thức khuya có thể kích thích thói quen thèm ăn vặt sau bữa tối và tăng cân. Hormone leptin ngăn chặn cơn đói trong khi ghrelin kích thích sự thèm ăn.
Những thay đổi về nội tiết tố là nguyên nhân không nhỏ đang cản trở quá trình giữ dáng của bạn. Thiếu ngủ khiến leptin giảm và ghrelin tăng, từ đó gây mất kiểm soát cân nặng.
Đường tiêu hóa
Ngủ không đủ giấc cũng có thể dẫn đến đau dạ dày và khó tiêu. Thói quen này gây áp lực cho cơ thể, khiến máu và chất dinh dưỡng khó hấp thụ vào ruột và đến các bộ phận khác. Mọi thực phẩm đi vào dạ dày cũng không được dính axit tiêu hóa và các đợt co thắt của ruột nhằm nghiền nát thức ăn sẽ giảm đáng kể.
Da
Ngủ không đủ giấc làm tăng mức độ viêm và hormone gây căng thẳng, trầm trọng thêm các vấn đề về da.
Khi bạn chợp mắt, cơ thể sẽ tiến hành tái tạo các tế bào bị hư hại trong ngày. Do đó, theo Tổ chức National Sleep Foundation, ngủ không đủ giấc làm tăng mức độ viêm và hormone gây căng thẳng, trầm trọng thêm các vấn đề về da như mụn trứng cá, chàm và bệnh vẩy nến. Hơn nữa, người thiếu ngủ cũng dễ bị tái da, xuất hiện nếp nhăn trên mặt và quanh mắt.
Ham muốn
Thói quen ngủ của bạn cũng có thể ảnh hưởng đến chuyện phòng the. Nghiên cứu vào tháng 5 năm 2015 trên Tạp chí Sexual Medicine cho thấy, những phụ nữ ngủ đủ có nhiều khả năng tăng ham muốn vào ngày hôm sau. Điều này cũng đúng với nam giới vì giấc ngủ ảnh hưởng trực tiếp tới hormone testosterone.
Xương và cơ bắp
Khi bạn đi vào giấc ngủ sâu, hormone tăng trưởng sẽ được giải phóng. Chúng chịu trách nhiệm xây dựng, tái tạo và duy trì cơ bắp, xương hoạt động bình thường. Thức khuya thường xuyên đồng nghĩa với việc khiến quá trình này bị cản trở.
Hơn nữa, rối loạn giấc ngủ còn ảnh hưởng tới mật độ xương, gây yếu xương và giảm khối lượng cơ trên cơ thể.
(Nguồn: Livestrong)
Trí thức trẻ