Ngựa hiền bị người cưỡi, người hiền thì bị bắt nạt, muốn chiến thắng đôi khi phải học cách tàn nhẫn như sói

Có những điều tưởng chừng như ngược đời nhưng lại là bản chất trần trụi của nhân tính. Chẳng phải tự nhiên mà người ta thường nói rằng: “Người hiền lành thường dễ bị bắt nạt, ngựa hiền lành thường bị người cưỡi”.

Đôi khi, bạn càng nhân nhượng, người khác lại càng muốn lấn tới. Bạn càng lùi bước, người khác lại càng tàn nhẫn, càng muốn đuổi cùng giết tận. Bạn càng tha thứ, người khác lại càng liều lĩnh, không kiêng nể gì cả. Bạn càng mềm lòng, người khác càng tham lam vô độ. Chính vì thế, khi trưởng thành cũng là lúc mà chúng ta phải học cách tàn nhẫn hơn.

Nếu cứ sợ mất lòng người khác mà không dám từ chối những việc nằm ngoài khả năng, bạn sẽ tự làm tổn thương chính mình. Không dám phản đối những điều bất công, bạn sẽ không được người khác tôn trọng. Những kẻ xung quanh có thể coi lòng tốt của bạn là sự yếu đuối, coi hành động giúp đỡ của bạn là chuyện đương nhiên, không quá quan trọng. Chính vì thế, họ không hiểu được cách trân trọng công sức và tấm lòng người khác.

Ví dụ như bạn tốt bụng đi lấy nước hộ mọi người một vài lần, họ sẽ hình thành thói quen coi việc lấy nước là nhiệm vụ đương nhiên của bạn, cứ lúc nào hết nước sẽ mặc định gọi bạn làm “chân sai vặt” mà không hề lăn tăn suy nghĩ. Đó chính là thực tế, là nơi mà người hiền lành sẽ là đối tượng bị chèn ép đầu tiên. Vì thế, đừng bao giờ sợ hãi việc từ chối người khác. Nếu không muốn giúp đỡ, hãy thẳng thắn giải thích nguyên nhân chứ chẳng có lý do gì chúng ta phải miễn cưỡng đồng ý.

Ngựa hiền bị người cưỡi, người hiền thì bị bắt nạt, muốn chiến thắng đôi khi phải học cách tàn nhẫn như sói - Ảnh 1.

 Dám “tàn nhẫn” với chính mình và với những người xung quanh thì chúng ta có thể chiến thắng bản chất trần trụi của nhân tính. Bạn hiểu ra càng sớm thì càng có nhiều thời gian để xây dựng tinh thần vững vàng.

Nếu không, những trải nghiệm và vấp ngã cuộc đời sẽ đích thân dạy cho bạn một số bài học khó quên để bạn biết rằng, lòng tốt là một thứ quý giá mà chỉ nên dành cho những người xứng đáng với nó mà thôi. Có những kẻ tham lam, ích kỷ, chỉ biết đến mình mà không hiểu giá trị ấy thì càng không nên có được nó.

Thomas Fuller, một nhà thờ và nhà sử học người Anh, có câu danh ngôn nổi tiếng rằng: “Men are more prone to revenge injuries than to requite kindness”, có nghĩa là “Con người ưa trả thù vì bị tổn thương hơn là đền đáp cho lòng tử tế”. Lòng tốt cho đi liệu có chắc sẽ được ơn tình, hay có khi sẽ bị nghi ngờ, lãng quên? Trước khi nghĩ đến chuyện được trả ơn, hãy bình tĩnh để thấu đáo hành động của mình liệu có vô tình gây ra ảnh hưởng tiêu cực nào không vì lòng tốt thiếu đi sự khôn khéo luôn luôn chẳng khác gì cái ác.

Cái tâm thiện lương phải đi kèm với cái đầu tỉnh táo để đặt tình cảm vào đúng nơi đúng chỗ. Bởi nếu không, nhiều khi lòng tốt đó lại là điều kiện gây hại cho người nhận nó. Vì vậy, điều đầu tiên khi làm từ thiện, ta xác định rõ thông tin về đối tượng cần giúp đỡ để tránh bị lừa gạt hay nhầm lẫn đáng tiếc. Đặc biệt là khi giúp đỡ một hoàn cảnh khó khăn nào đó, ta cần nghĩ đến việc giúp họ cách thoát khỏi cái nghèo, cái khổ, thay vì chỉ giúp về vật chất đơn thuần.

Hãy đưa cho họ một cần câu và dạy cách câu, chứ không phải là cho con cá, để họ tự nuôi sống mình.

Ngựa hiền bị người cưỡi, người hiền thì bị bắt nạt, muốn chiến thắng đôi khi phải học cách tàn nhẫn như sói - Ảnh 2.

Giống như tác giả, nhà thơ và cũng là triết gia nổi tiếng người Mỹ, Ralph Waldo Emerson từng nói rằng: “Lòng tốt của bạn cần thêm đôi phần sắc sảo, nếu không chẳng khác nào con số không tròn trĩnh.” Một người càng tốt bụng, thì ngưỡng giới hạn trong đối nhân xử thế càng phải cao. Như vậy mới khỏi dễ dãi với người khác, lại có thể bảo vệ bản thân.

Nếu bạn đã quen chịu thiệt, đã quen im lặng, đã quen để mình ấm ức, đã quen nhận lời mọi người, thì bạn sẽ quên mất thật ra bạn có thể có thái độ, có thể có quan điểm, có thể có năng lực, có thể sống cuộc sống mà bạn mong muốn. Bạn dễ bị sai bảo chẳng qua là vì bạn đã nhầm lẫn giữa thoải mái và khoan dung vô nguyên tắc, do đó không biết cách từ chối.

Có rất nhiều chuyện trong phạm vi khả năng của mình, bạn có thể giúp một tay; vượt khỏi phạm vi khả năng của mình, bạn phải quyết đoán từ chối. Với những người cần được giúp, đừng tiếc nuối; còn với những kẻ không đáng, đừng thương tiếc. Vì phải dám bày tỏ suy nghĩ chân thực, không “phụ thuộc”, không “lấy lòng”, có thể khiến cuộc sống của chúng ta từ trong mắt người khác trở về trong tay mình.


Theo Phương Thuý

Trí thức trẻ