Theo sử liệu ghi lại, Dương Quý Phi vốn có sở thích ăn vải vì bà nhận ra công dụng giải độc, dưỡng nhan của loại quả này. Quả vải dù chứa hàm lượng đường cao nhưng lại có tác dụng bổ sung năng lượng, tăng cường dinh dưỡng nên giúp cải thiện kích cỡ ngực và khiến da dẻ trở nên hồng hào, mịn màng. Tuy nhiên, khi ăn nhiều vải sẽ dễ gặp phải tình trạng nóng trong người, có thể gây nhiệt miệng, nổi mụn… Dù vậy, bạn vẫn có thể ăn vải trong mùa này để làm đẹp da, nhưng nhớ tuân theo một số lưu ý sau.
Ngâm vải vào nước muối trước khi ăn
Một vài trường hợp sau khi ăn vải đã bị ngộ độc, kèm theo những triệu chứng như nôn nao, nổi mề đay, đau bụng dữ dội, tiêu chảy, khó thở, hạ huyết áp… Trên thực tế, những triệu chứng này xuất hiện không phải do bản thân quả vải mà đến từ một loại nấm độc tên là Candida tropicalis, thường có ở núm những quả vải chín quá, bị dập nát, ủng, thối. Hàm lượng đường, nồng độ pH và axit trong quả vải cũng trở thành môi trường lý tưởng để loại nấm này phát triển.
Vậy nên, trước khi ăn thì bạn nên ngâm vải qua nước muối để phòng tránh nguy cơ ngộ độc. Thêm nữa, bạn cũng có thể uống thêm trà thảo mộc lạnh hoặc canh bí đao, chè đậu xanh… trước khi ăn vải để giúp giải nhiệt cơ thể và đào thải độc tố ra ngoài tốt hơn.
Ăn vải khi có cả lớp màng trắng bọc ngoài
Khi ăn vải, bạn nên ăn cả lớp màng trắng bọc ngoài cùi vải để tránh hiện tượng nóng trong người. Bên cạnh đó, bạn có thể ăn thêm cả phần trắng trên đầu hạt vải bởi nó cũng có tác dụng giảm được cảm giác nóng trong người khi ăn. Mặc dù lớp vỏ này có vị hơi chát nhưng khi ăn đến cùi vải sẽ thấy ngon và ngọt hơn.
Không ăn quá nhiều vải một lúc
Do vải vốn chứa nhiều đường nên nếu ăn liền một lúc khoảng 500gr trở lên có thể làm gia tăng lượng đường glucoze vào máu. Nếu vượt quá khả năng hấp thu, chuyển hóa của gan thì cơ thể sẽ tiết ra nhiều insulin để làm hạ nồng độ đường trong máu xuống, từ đó gây ra phản ứng đường máu, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường kèm theo một số biểu hiện như chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, tim đập nhanh, cơ thể toát mồ hôi, miệng khô khát, mệt mỏi…
Chính vì vậy, mỗi khi ăn vải, với người lớn chỉ nên ăn khoảng 10 quả còn trẻ nhỏ thì khoảng 3 – 4 quả. Đặc biệt, bạn cũng nên chú ý không ăn quá 50 quả trong một tuần.
Uống nhiều nước hàng ngày và uống một chút nước muối trước khi ăn vải
Việc uống nước hàng ngày (tối đa từ 2 – 2,5 lít nước) sẽ giúp giải nhiệt và cung cấp thêm độ ẩm cần thiết cho làn da của bạn, từ đó giúp hạn chế mụn phát triển. Ngoài ra, trước khi ăn vải, bạn cũng nên uống thêm một chút nước muối để giúp giảm bớt tính nóng của quả vải và phòng tránh nguy cơ nổi mụn, hay nóng trong người.
Ngoài những điều trên, khi ăn vải bạn cũng nên chọn thời điểm ăn vào buổi sáng để giảm tình trạng nóng trong người. Sau bữa ăn trong ngày, nếu muốn ăn vải thì nên đợi khoảng 2 tiếng chứ không nên ăn ngay sau khi vừa ăn cơm xong. Bởi điều này dễ khiến cho việc tiêu hóa bị cản trở và có thể làm tăng nguy cơ nổi mụn cùng một số vấn đề sức khỏe khác. Và vì là mùa hè nên khi ăn vải trong thời điểm này, bạn cũng vẫn nên chú ý chăm sóc da bằng cách bảo vệ, che chắn da kỹ trước khi ra ngoài và nên giữ cho làn da luôn khô thoáng, sạch sẽ bằng cách tẩy trang, rửa mặt sạch vào buổi tối.