Hoạt động liên tục 10 năm qua nhưng lâu rồi mới lại có một ca khúc hit. Điều gì đã xảy ra với chị trong giai đoạn từ “Bánh trôi nước” đến “Để Mị nói cho mà nghe”?
Tôi đã không hồn nhiên! Tôi từng nghĩ nhiều đến kết quả hơn là quá trình. Tôi chọn cách ở một mình. Đó không phải là trầm cảm hay tự ti, chỉ đơn giản là tôi cần giải quyết những thứ đang diễn ra trong tâm lý của mình trước khi giải quyết những thứ liên quan đến người khác.

Bây giờ tôi rất sợ mình chăm chăm vào công việc, để rồi khi đạt được điều mình muốn, ngẩng lên lại thấy trống rỗng vì không có bạn bè bên cạnh, bỏ mất những thứ hay ho mình đáng ra có thể tận hưởng. Thành thử tôi đang làm việc không mệt mỏi mà đi chơi cũng không mệt mỏi. Tôi thích bạn bè ngồi quây quần với nhau, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới bể. Đôi khi tôi có thể nảy sinh những sáng tạo trong công việc từ những cuộc tán gẫu đó. Nó cho tôi cảm giác mình được sống, được chia sẻ và là điều kiện cần cung cấp năng lượng cho tôi tiếp tục làm việc.

Nhiều người thậm chí quên mất chị từng ra mắt sản phẩm âm nhạc “Fall in love” vào năm ngoái nữa đấy!
Bài hát đó tôi hơi tiếc vì đã “om” quá lâu. Tôi chấp nhận sự thất bại ấy và cũng nghiêm túc nhìn nhận lý do vì sao “Fall in love” không đạt được kết quả tốt. Đây là sản phẩm tôi đã sản xuất cách thời điểm ra mắt 2 năm nên khán giả sẽ cảm thấy cũ và phần âm nhạc được nghe trước đó nhiều rồi. Sự chậm trễ này khiến tôi thức tỉnh để rút kinh nghiệm cho những bước đi kế tiếp trong sự nghiệp.

Đôi khi ngẫm lại, tôi cũng hơi buồn vì điều đấy. Kiểu như, ôi, mình tuổi này rồi mà còn quyết định sai! Tuy nhiên, tôi vẫn luôn tự tin rằng hình ảnh của Hoàng Thùy Linh không thể lẫn với ai trong showbiz Việt.

Có phải khi nhận được bản thu thử ca khúc “Để Mị nói cho mà nghe”, ngay lập tức chị đã nhanh tay chớp lấy nó?
“Để Mị nói cho mà nghe” là món quà bất ngờ nhất tôi nhận được. Lượt xem của MV càng khiến tôi bất ngờ. Nó giúp tôi củng cố bài học đắt giá rằng sản phẩm có đầu tư, dồn tâm sức nhưng mình cũng cần phải nghiên cứu, tìm hiểu về khán giả, về thời điểm phát hành thay vì bảo thủ như trước.

Là một ca sĩ, tôi luôn chủ động đi tìm sản phẩm phù hợp với mình. Trong lúc tìm thì năng lượng của tôi đã truyền đến nhiều người và chúng tôi (Linh và DTAP, nhóm 3 nhà sản xuất trẻ của “Để Mị nói cho mà nghe” – PV) tìm thấy nhau. Khi bạn yêu thích một điều gì quá thì sẽ luôn nghĩ đến nó. Tự dưng mọi thứ được sắp xếp, kiểu như ông trời đã viết sẵn kịch bản. Vậy thì tại sao không thuận theo tự nhiên và quyết liệt với điều mình muốn? Tôi rất tin vào việc con người ta tình cờ gặp được nhau ở một thời điểm nào đó, và rồi cùng tạo ra một điều gì đó.

Và thế là chị quyết định ra hẳn một album để bù đắp lại khoảng thời gian lơ là với âm nhạc, hết ra sách, làm giám khảo rồi lại đóng phim?
Những hoạt động trong 3 năm qua đều là các việc tôi cần phải giải quyết trước khi tiếp tục giấc mơ lớn hơn. Còn rất nhiều khúc mắc xung quanh tôi mà nếu tôi chủ động giải quyết sẽ tốt hơn cả. Và tôi luôn là người chủ động. Tôi phải ra cuốn sách đó. Không chỉ cho những người chưa tin mình mà còn dành tặng những người đã tin, đã yêu thương mình trong suốt bao năm qua. Mình phải bảo vệ họ chứ! Rồi sau đó là làm giám khảo, quay lại với phim truyền hình và đóng một bộ phim điện ảnh. Tất cả đều xứng đáng. Để bây giờ trở lại với âm nhạc, tôi đi với tâm thế một người leo núi đã vứt hết những hòn đá nặng.

Văn hóa dân gian Việt Nam đã trở thành một vũ khí sắc bén giúp âm nhạc và hình ảnh của tôi trở nên đặc biệt. Ví dụ như “Để Mị nói cho mà nghe” là một may mắn lớn đối với tôi, nhưng cũng có nhiều tính toán trong đó. Tôi vẫn thường nói đùa với những người đồng đội trong ê-kíp của mình là: “Làm nhạc như làm toán” (cười).

Trước vì “không hồn nhiên với âm nhạc” nên chị mới có 3 năm trì trệ, giờ chị lại rút ra rằng làm nhạc phải có tính toán, hai điều ấy có mâu thuẫn không? 
Thời đại này khán giả có rất nhiều mối quan tâm, còn truyền thông lại phát triển mạnh mẽ, tôi buộc phải “làm toán” thôi. Chúng ta đang có quá nhiều những ca khúc ballad buồn nói về tình yêu đau khổ, tôi muốn lựa chọn một ca khúc khiến cho mọi người vui vẻ hơn. Tôi ra mắt “Để Mị nói cho mà nghe” vào đúng thời điểm các em học sinh đang áp lực với kỳ thi THPT Quốc gia nhằm truyền tải những thông điệp tích cực, vui tươi qua phần kịch bản MV.

Khi tôi chia sẻ ý tưởng này, rất nhiều người đã nói tôi không làm được đâu. Nhưng chỉ khi mình sẵn sàng làm những điều chưa bao giờ làm thì mình mới đạt được những điều chưa bao giờ có. Tính toán trong chiến lược và vô tư khi làm nhạc là hai khía cạnh có thể dung hòa được.

Chị đầu tư cho sản phẩm và được khán giả đón nhận như thế, nhưng chỉ vì “lệch đề” kỳ thi THPT Quốc gia mà sau đó khán giả đổ xô đi nghe “Hai triệu năm” của Đen Vâu. Chị nghĩ sao khi chứng kiến sự quay lưng đó?
Cuộc sống vốn dĩ vẫn thế mà. MV ra mắt chỉ mang tính thời điểm, mình phải tạo cho ca khúc môi trường để sống tiếp chứ, là sân khấu hoặc những nơi mà khán giả có thể tiếp tục thưởng thức được nó.

Chị đã có chiến lược rất hay khi tung ra một sản phẩm mà mình biết rõ khán giả của nó đang ở đâu, thuộc độ tuổi nào, sẽ phản ứng ra sao. Trẻ hóa đối tượng người nghe có phải là quy luật bắt buộc trong âm nhạc, đặc biệt với chị?
Cũng có thể nói là như vậy. Các bạn trẻ đang là những người có nhiều năng lượng tích cực nhất. Họ cũng dành thời gian cho âm nhạc và giải trí nhiều hơn lứa tuổi khác. Khi tìm hiểu về thế hệ 2000, tôi đã vỡ ra rất nhiều điều. Thật ra tôi đã đi trên con đường này rất lâu rồi, có thể tư duy của tôi trước đây văn minh hơn các đàn anh, đàn chị nhưng hiện tại, chưa chắc tôi đã bằng các bạn trẻ. Nếu không chịu thay đổi, tôi sẽ đi xuống và tụt hậu.

Việc hạ cái tôi của mình xuống để lắng nghe xem lớp khán giả mới đang thích gì, cần gì và thiếu gì trong cuộc sống là cần thiết. Tôi vẫn nghĩ mình nên sống như nước, có thể ứng biến trong mọi định dạng, thiên biến vạn hóa nhiều hình ảnh, chấp nhận xuôi theo dòng chảy và đón nhận mọi thứ một cách dễ chịu. Những người trẻ là thế hệ kế thừa tất cả những gì thế hệ trước đã làm, vì thế ta không nên đặt ra khoảng cách với họ.

Linh và DTAP, nhóm 3 nhà sản xuất trẻ của “Để Mị nói cho mà nghe”.

Nghĩa là chị chấp nhận trao quyền lực cho những cú click của họ? 
Họ quyền lực thật mà! Trong phim “Thần tượng”, tôi từng nói một câu là: “Chỉ cần một người muốn nghe thì tôi vẫn hát” nhưng thực sự, ước mơ của tôi là hàng triệu, hàng trăm triệu người muốn nghe tôi hát. Tôi không giấu giếm điều ấy. Tất nhiên, dù còn một người tôi vẫn hát và tôi đã từng trải qua thời điểm ấy rồi.

Nhưng giới trẻ cũng cả thèm chóng chán và dễ bị cuốn vào hàng tỷ thứ nội dung trên mạng xã hội, họ đâu chỉ quan tâm mỗi âm nhạc!
Chính tôi còn cả thèm chóng chán đấy thôi. Tôi từng xem nhiều lần một MV rồi hôm sau lại bỏ đó. Tôi cũng muốn xem những sản phẩm mới, nhân tố mới và luôn muốn nhìn người cũ thay đổi.

Nói như thế này nghe hơi hiếu chiến nhưng tôi luôn đặt mình vào trạng thái không sao cả, dù kết quả thế nào cũng không thể khiến mình chùn bước. Tôi nghĩ mình phải chấp nhận bản thân mình trước, nếu không, ai sẽ chấp nhận và yêu thương mình đây? Và tôi đi đến quyết định bản thân mình như thế nào, mình sẽ làm một sản phẩm âm nhạc như vậy. Đợt này đi diễn, tôi rất hay giới thiệu mình là Hoàng Thùy Linh, mình tuổi rồng và mình sinh năm 2000 (cười lớn).

10 năm ca hát có ý nghĩa thế nào với chị?
Chúng ta nên cho phép bản thân tự hào về những gì mình đã cố gắng hết sức để đạt được, bởi nó xứng đáng mà. Với tôi, càng hạnh phúc hơn khi có thể làm bố mẹ mình tự hào. Điều tưởng chừng như khó khăn nhất ấy, cuối cùng tôi đã làm được rồi. Tôi còn nhớ cảm giác khi bố gọi cho tôi từ Tam Đảo và bảo rằng khắp nơi mọi người đều mở “Để Mị nói cho mà nghe”. Niềm vui ấy không phải kiểu trẻ con được quà mà là một cảm giác ấm áp pha lẫn bất ngờ bởi lúc thực hiện MV, tôi và cả ê-kíp không biết được điều gì sẽ xảy ra.

Và tiếp nữa, cuối cùng thì tôi đã cho những người yêu thương, tin tưởng tôi sau biến cố một câu trả lời xứng đáng: họ không chọn sai người. Từ gia đình cho đến bạn bè, đồng nghiệp và khán giả cùng đứng chung trên con thuyền này với tôi. Tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ dừng lại, bởi công việc đã trở thành niềm vui, sự sống như khí oxy tôi hít thở hằng ngày. “Để Mị nói cho mà nghe” sẽ là single đầu tiên trong chuỗi dự án kỷ niệm 10 năm và mở đường cho dự án 10 năm tiếp theo của Hoàng Thùy Linh.

Cảm ơn những chia sẻ của chị!

Ảnh: Phan Võ

Tổ chức Duy Vũ Sản xuất Hellos
Nhiếp ảnh Tang Tang Trang điểm Hiwon 
Trợ lý sản xuất Huey Thiết kế Redmaz

Tạp chí đẹp