Dạo gần đây, tôi nhận được nhiều lá thư từ độc giả với cùng câu hỏi: “Có nên từ bỏ tiền để giữ thể diện cho mình hay không?” Thực ra đây cũng là một vấn đề quan trọng mà chúng ta thường thấy trong xã hội. Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn dùng 4 câu chuyện dưới đây để nói cho bạn biết.
(01)
Em họ của tôi năm nay 22 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học và xin vào làm ở một công ty tầm trung ở mảng viết content. Tuy nhiên cô ấy mới chỉ làm được 15 ngày đã nghỉ việc ngang, bỏ cả tiền công 15 ngày.
Hôm qua, cô bé mới nhắn tin hỏi tôi có công việc biên tập hay viết content gì không, giới thiệu cho cô ấy với. Tôi mới hỏi thấy công việc cũ của cô ấy cũng khá tốt, tại sao phải nghỉ.
Cô ấy nói: “Em thật sự không hiểu nổi giám đốc của em nghĩ gì nữa, em là người mới, còn mới ra trường thì làm sao có thể hoàn thành tốt mọi thứ như người cũ bọn họ cơ chứ? Vậy mà trong giờ họp, chị ta liền phê bình em trước mặt mọi người, khiến em cảm thấy rất mất mặt.”
Nghe thế, tôi mới bảo cô ấy kể chi tiết mọi việc cho tôi nghe.
Nhưng hóa ra sự việc là thế này:
Không chỉ riêng em họ tôi, mỗi người mới đều được phân công hoàn thành tất cả bài quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trong vòng một ngày. Trước khi đó, giám đốc đã hướng dẫn rất kỹ các phần mềm kiểm tra chính tả, kiểm tra độ trùng lặp, cách chọn hình ảnh, cách thức trình bày… Nhưng do bất cẩn không kiểm tra, sau khi làm xong bản báo cáo, em họ tôi đã để trùng lặp nội dung với bài viết trên mạng đến tận 80%.
Trong khi những người mới đều làm rất tốt, chỉ riêng có em họ tôi không chú ý nên đã làm ảnh hưởng đến tiến độ của mọi người. Và vì muốn răn đe hết nhân viên mới, giám đốc đã phê bình cô ấy trong buổi họp.
Thật ra lúc mới ra trường thì tôi cũng như vậy, rất dễ nóng giận vì những lời phê bình không tốt từ người khác. Nhưng tôi khác cô ấy ở một điểm, làm việc gì cũng phải chờ cầm tiền được đến tay mới xin nghỉ.
Bạn nghĩ xem, chưa nhận được tiền 15 ngày công, cô ấy đã nghỉ ngang, vậy có phí không chứ?
Nếu đã xác định mình đi làm là để kiếm tiền, học kinh nghiệm, vậy hai từ “thể diện” đôi khi thực sự không cần thiết.
Nếu bạn làm đúng mà bị người khác mắng, hãy xác định xem thứ quan trọng nhất bây giờ với bạn là gì? Nếu cần tiền, cần công việc, cần kinh nghiệm hơn, vậy hãy buông thể diện xuống mà cố gắng làm tiếp.
Nếu bạn làm sai nên mới bị mắng, vậy cần sĩ diện hão để làm gì!
Khi bạn có thể buông xuống thể diện để kiếm tiền, chứng tỏ bạn đã hiểu chuyện. Mà một người hiểu chuyện, sẽ biết cái gì mình nên làm, cái gì không nên làm.
Tiền quan trọng trong nhiều thời điểm, nhưng thể diện của bạn chỉ được người khác tôn trọng khi bạn là người có tiếng nói trong xã hội.
(02)
Trái ngược với em họ tôi, Hạnh – cô bạn cấp ba của tôi không phải từ bỏ tiền để kiếm thể diện mà là dùng tiền để lấy thể diện về.
Nếu click vào trang cá nhân của cô ấy, lúc nào bạn cũng nhìn thấy câu trích dẫn cô ấy yêu thích là: “Tốc độ thành công của bạn nhất định phải vượt qua tốc độ già đi của bố mẹ.”
Thực ra câu nói này đã trở thành phương châm sống của cô ấy từ rất lâu. Vì khi còn nhỏ, gia đình của cô ấy rất nghèo, ba cô ấy mất sớm, gia đình dòng họ thì lúc nào cũng chê trách nhà cô ấy bần cùng, cứ chạy vạy mượn gạo, mượn tiền đầu này xóm nọ. Mặc dù mẹ cô ấy đã trả hết nợ, nhưng mỗi khi đến nhà cô ấy chơi, bọn họ lại hay cười nhạo, xem thường.
Cô ấy trưởng thành từ rất nhỏ, biết làm mọi việc, kiếm tiền ngoài giờ học, giúp mẹ việc nhà, mà thành tích vẫn giỏi đều qua các năm.
Sau đó, cô ấy vào thành phố học 4 năm. Họ hàng và hàng xóm cũng có vài người mon men sang nhà nói mẹ cô ấy rằng: “Sao bà không gả con Hạnh cho thằng nào đại đi, để nhà vừa tốn cơm, tốn gạo, còn tốn cả tiền học đại học…”
Khoảng thời gian khó khăn đó, ngoài hai mẹ con cô ấy ra, chẳng ai hiểu nỗi, cũng chẳng có ai thèm thấu hiểu. Nhưng cũng may trời không phụ người hiền, Hạnh vừa tốt nghiệp đã được nhận vào làm ở một công ty luật sư nổi tiếng. Giờ 30 tuổi rồi, cô ấy cũng đứng vững gót chân và trở thành người có tiếng tăm trong giới. Hai mẹ con cô ấy vẫn ở cùng nhau, nhưng là trong một ngôi nhà ấm cúng ở thành phố, gần tòa án cô ấy làm việc.
Dạo gần đây, con trai của mợ cô ấy đánh nhau với người ta nên bị bắt giữ. Thế là họ hàng được dịp tranh thủ nhờ vả, còn khen mẹ cô ấy nức nở, bảo sinh được một đứa con gái vừa đẹp vừa giỏi giang.
Không chỉ có vậy, vài người quen từng cười nhạo cô ấy lúc trước cũng mò đến cửa nhà, trước vờ hỏi thăm sau đó liền mượn tiền.
Nhưng cô ấy giờ đây đã không còn là cô bé nghèo không hề có tiếng nói, hay bị người khác xem thường lúc trước nữa rồi.
Cô ấy muốn giúp ai, sẽ giúp, không muốn thì từ chối. Không cần phải để ý đến sắc mặt của người khác.
Dù sao sống trong thế giới này, bạn không cần thiết phải đối xử lịch sự với tất cả mọi người.
Một người tài giỏi là người biết dùng tiền để kiếm thể diện về cho mình. Và nếu làm được như vậy, chứng tỏ bạn đã thành công.
(03)
Tôi có hai người bạn, nhiều người không hiểu rõ khi nhìn thấy hai người này sẽ cảm thấy họ rất giống nhau, đều là người thành công.
Nhưng khi tôi nhìn thấy họ đi chung với nhau, lại cảm thấy thực buồn cười. Bởi vì tôi biết được, trong 2 người họ, Kiên mới là người thành công, còn Minh chỉ là kẻ thất bại.
Kiên, Minh và tôi là bạn thân từ thời học đại học. Khi đó, ba chúng tôi học rất tốt, còn được mọi người đặc biệt danh là “Tam tài” của lớp.
Nhưng sau này ra trường, mỗi người có một ngã rẽ riêng, tính cách cũng dần thay đổi theo.
Bởi vì Kiên học giỏi Anh văn, nên trong năm tư đại học, cậu đã lấy được bằng IELTS 8.0. Một số điểm đáng ngưỡng mộ và ganh tỵ cho những đứa học dốt anh văn như tôi. Cậu ấy thuận lợi vào làm ở tập đoàn Vingroup và sau đó thuận lợi thành lập công ty riêng cho mình. Hiện tại, người muốn gặp cậu ấy, toàn là người nổi tiếng và giàu có.
Tiếp đến là tôi, một đứa với combo “thường dân”: ngoại ngữ bình thường, ngoại hình cũng bình thường, vì tôi là người hướng nội nên khả năng giao tiếp chỉ tạm ổn, được cái mơ mộng thích viết văn từ nhỏ, nên tôi đã làm trái ngành. Tuy công việc không nhiều tiền, nhưng vì là nghề mình yêu thích, nên tôi cảm thấy rất hạnh phúc.
Cuối cùng là Minh, ngoại hình đẹp, giỏi ăn nói, nhưng ghét bị phê bình và coi trọng sĩ diện.
Lúc mới ra trường, cậu ấy từng làm nhân viên kinh doanh với mức lương khá cao. Nhưng vì nhiều nguyên nhân, từ đó đến nay, chúng tôi cứ thấy cậu ấy đổi công việc từ chỗ này sang chỗ khác.
Sếp cậu ấy không hài lòng về tiến độ, bảo cậu ấy cố gắng nhanh nhẹn hơn, cậu ấy không vui, và thế là nghỉ làm.
Đồng nghiệp ở công ty cười nhạo cậu ấy đổi việc nhiều lần, cậu ấy tức giận, nên nghỉ làm.
Công ty mới trả lương thấp, cậu ấy thấy không xứng với năng lực cậu ấy, nên lại tiếp tục nghỉ.
Cứ thế, tôi không biết cậu ấy đã đổi bao nhiêu lần.
Mỗi lần họp lớp, trong khi Kiên bình tĩnh, từ tốn nói chuyện với mọi người, ai hỏi gì về nghề nghiệp mình thì cậu ấy mới đáp lại. Thì Minh đã không nhịn được mà khoe khoang mình làm ở bao nhiêu nơi sang trọng, gặp biết bao nhiêu người nổi tiếng.
Nhưng trên thực tế, cậu không hề có địa vị lớn, cũng không hề quen thân những người nổi tiếng hay các vị cấp cao trong công ty. Chẳng qua vì không muốn mất mặt, cậu ấy liền thổi phồng mọi thứ và tự nâng mình lên một tầm cao mới.
Nhưng thực ra làm vậy không đáng chút nào.
Cho đến khi nào bạn có thể dùng thể diện để kiếm ra tiền, bạn mới thật sự xứng đáng với 4 từ “nhân vật nổi tiếng”.
Còn ngược lại, khi bạn liên tục uống rượu, nói phét, cái gì cũng không hiểu còn giả vờ như rất giỏi, lại còn quá quan tâm đến thể diện, chứng tỏ cả đời này bạn cũng chỉ được như vậy!
Cuộc đời này có được ắt có mất, cầm lên được, thì học cách buông xuống được, nếu muốn có cả tiền và thể diện, hãy học cách khiến mình trở nên mạnh mẽ và ưu tú hơn.
Theo Trí Thức Trẻ