Lê Sơn Hải, 28 tuổi, tốt nghiệp cử nhân ngành Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền vào năm 2015. Sau khi nhận tấm bằng ĐH, trong khi những người bạn cùng trang lứa, ai cũng đều có ước mơ cho riêng mình, thì Hải vừa đi vừa khóc. Không hiểu sao cậu lại xúc động đến thế, nhất là lúc tâm sự chỉ hai mẹ con với nhau.
“Con không thích đi làm, con muốn về nhà”.
Cô Vân sốc.
Chồng mất sớm, một mình cô nuôi nấng Hải cùng 3 cô con gái. Cô từng rất tự hào vì thằng con mình, tuy xuất thân từ vùng nông thôn Nam Thành, xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên, nhưng có thể đỗ ĐH và học tập xuất sắc. Cô quan niệm, học xong thì phải ra trường kiếm lấy một cái nghề để người ta, nhất là bà con làng xóm, nhìn vào không bị hổ thẹn.
Lúc ở trong trường ĐH, Hải từng vẽ ra ước mơ rất đẹp. Ai cũng thế thôi. Nhưng khi bước ra đời, cậu mới thấy những người xung quanh và công việc không đẹp như trong giấc mơ.
“Tại sao mình cứ phải đuổi theo những thứ không thuộc về mình, mà không phát triển cái mình đã có và vốn có. Mình sinh ra trong một vùng trà quá nổi tiếng rồi, mình có thể làm một điều gì đó với hy vọng đem lại giá trị cho quê hương”.
Từ đó, Hải bỏ phố thị hối hả xô bồ, về lại quê nhà gây dựng sự nghiệp từ đồi chè và đầm sen.
Lê Sơn Hải – chàng cử nhân báo chí từ bỏ Hà Nội để về quê lập nghiệp.
Cử nhân báo chí bỏ phố về quê ướp trà sen hữu cơ, dồn tâm huyết của tuổi trẻ trong những ấm trà. Thực hiện: Minh Nhân.
Cử nhân báo chí bỏ phố về quê ướp trà sen hữu cơ, thu nhập 20 triệu đồng/tháng
Công việc đầu tiên mà Hải nhận làm, là anh nhân viên văn phòng trong một công ty viễn thông, lương tầm 2-3 triệu mỗi tháng. Thương mẹ, cậu cũng làm hồ sơ đi xin việc ở những nơi khác. Mọi chuyện có lẽ sẽ chẳng có gì thay đổi, mẹ từng hình dung anh con trai sẽ có một công việc ổn định, nếu như trong phần phỏng vấn, cậu không cố tình trả lời sai để người ta đánh trượt mình.
Mẹ cho Hải 20 triệu tiền mua xe máy đi làm trên Hà Nội. Cảm thấy quá gò bó trong mớ bòng bong do người khác tạo nên, Hải quyết định xin nghỉ việc, chỉ sau 3 ngày. Khoản tiền kia, cậu âm thầm đầu tư vào những bông sen.
“Trước đây cô từng trải qua công việc làm chè nên biết vất vả nhường nào, cô không muốn con mình phải theo nghề này nữa. Nó học 4 năm báo chí, cô chỉ mong nó có công việc nhẹ nhàng, đỡ nhọc nhằn. Thế mà tiền cô cho mua xe máy, nó lén mua giống về trồng sen”.
Hải thích tự do và cậu cảm giác “nơi ấy” không thuộc về mình. “Mẹ cứ để con làm, mẹ phải tin ở con, con đủ tuổi để chịu trách nhiệm về bản thân” – cậu trấn an mẹ, bằng một cách chắc nịch như thể trong đầu đã có sẵn một kế hoạch khởi nghiệp đầy hoành tráng. Cô Vân chỉ biết nghe con và đánh liều một phen xem xem nó sẽ làm gì trên mảnh đất quê hương.
Cô Phạm Thị Vân, 58 tuổi, mẹ của Hải.
Cô bảo mọi cơ ngơi này đều là của Hải, cô chỉ phụ giúp con trai phần nào thôi.
Xuất phát điểm đầu tiên với chàng sinh viên 24 tuổi năm đó là lợi thế nghề làm trà truyền thống. Cây chè có giá trị kinh tế rất cao mà người ta còn ưu ái gọi là “vàng xanh”. Tuy nhiên, nếu sản xuất chè theo phương pháp thông thường thì giá trị cũng chỉ ở mức bình thường. Bất cứ ai trong cái làng chè này cũng đều làm được. Liệu chè mà Hải bán ra có đem lại lợi nhuận như cậu từng kì vọng?
“Trong đầu mình nảy sinh ý định làm chè hữu cơ, xu thế hợp thời mà khi phát triển sẽ không bị cũ. Đời sống con người càng phát triển, người ta không cần ăn no mặc đủ nữa, họ muốn được thưởng thức. Trong vòng nhiều năm qua, ở các gia đình trong vùng không hề có khái niệm chè hữu cơ, nên mình nghĩ đây là một bước tiến nếu như mình muốn bứt phá”.
Để làm chè hữu cơ, Hải bắt đầu nghiên cứu từ cây ăn quả. Chè được áp dụng bón bằng đỗ tương – một nguồn đạm thực vật dễ hấp thu, lại hiệu quả cao và góp phần nuôi dưỡng nguồn đất. Nếu bón cây bằng phân hoá học, tỷ lệ rửa trôi, bào mòn đất rất cao. Bên cạnh đó, hỗn hợp rượu – tỏi – gừng – ớt được sử dụng để phòng ngừa sâu bọ. Khi xuất hiện dịch bệnh, Hải sẽ xua đuổi và tiêu diệt chúng hoàn toàn bằng phương pháp mới lạ này.
Tuỳ vào từng loại chè mà có mức giá khác nhau. Chè mộc có 3 loại, chè móc câu và chè tôm, có giá 500 ngàn đồng/kg, chè đinh (hay còn gọi là trà Tiến Vua) có giá từ 2-3 triệu đồng/kg vì kỹ thuật hái khó, chỉ sử dụng những lá non nhất trên đỉnh cây chè.
Hải kể, thời còn học tập ở Hà Nội, cậu hay ghé Hồ Tây dạo chơi. Người dân quanh đó thường hay ướp trà sen – thứ thức uống mang đậm hương vị Việt Nam. Quả thực, trà đặc sản Tân Cương (Thái Nguyên) kết hợp cùng sen Hồ Tây sẽ cho ra hương vị thơm ngon nhất, tinh tuý nhất.
“Mình nghĩ, rõ ràng mình sinh sống tại vùng chè nổi tiếng, tại sao lại không đưa dòng sen của Hồ Tây về. Mình sẽ ướp trà trực tiếp tại đầm để giữ được độ tinh hoa, cực kì an toàn mà không qua bất cứ một trung gian nào khác”.
Đầm sen 3.600 mét vuông một tay Hải tìm giống về trồng với số vốn 20 triệu đồng.
Đồi chè 1ha của gia đình Hải.
Đôi tay cậu thoăn thoắt không hề thua các cô, các mẹ.
Hai loại trà ướp hương thơm ngon được nhiều người yêu thích là chè ướp hương nhài và ướp hương sen. Đầm sen rộng lớn tất nhiên có nhiều giá trị kinh tế, nhưng Hải chỉ dùng sen để ướp chè. Chè có thể được ướp qua đêm tại đầm, ủ trong lòng bông sen, bên ngoài bọc lá xanh, khoảng 48 tiếng là dùng được. Đây là cách ướp mang tinh hoa của những giọt sương và nắng sớm. Chè ướp sen sẽ được “thu hoạch” khi có ánh nắng mặt trời lên, tầm 8 rưỡi – 9h sáng. Khi đó nắng toả thẳng vào bông sen, vài nhánh phấn bên trong sẽ tung ra làm toả hương, bông sen cực kì thơm và quện vào trà.
Hải cũng có thể hái sen và mang về ướp tại nhà. Nhưng so với cách thứ nhất, phương pháp này không mang lại hương vị thơm ngon hoàn hảo nhất. “Coi như khi mình hái bông sen mang về nó không còn nhựa sống nữa, nó sẽ không thể toả hương như những bông sen ngoài đầm”.
Cách thứ 3 để ướp chè sen là cách truyền thống, cực kì tỉ mỉ và công phu, cách ướp được mệnh danh là tầng cao nhất của trà sen. Yêu cầu người làm trà phải thực sự yêu và có tâm. Người nghệ nhân sẽ phải dùng tay tách nhẹ nhàng những cánh hoa sen cho đến khi nhìn thấy đài hoa và nhị hoa màu vàng, chỉ tách hoa đủ lớn để có chỗ đổ trà vào. Trung bình mỗi bông sen cần khoảng 15 đến 20g trà khô, rồi nhẹ nhàng vuốt lại những cánh hoa về hình dáng ban đầu. Lá sen được cắt thành miếng lớn đủ vừa để bọc bông hoa lại.
Sự tỉ mỉ và công phu trong từng cánh sen đòi hỏi loại trà này có giá khá cao, thường 8-9 triệu đồng/kg.
Mỗi tháng, Hải bán ra tầm 30kg trà các loại. Thu nhập sau khi trừ đi mọi chi phí vào khoảng 20 triệu đồng. Nhưng để có 20 triệu ấy thực sự Hải đã phải bỏ ra rất nhiều công sức và tâm huyết.
Cách thức ướp trà sen ngay tại đầm vô cùng tỉ mỉ và chỉn chu.
Các bước đòi hỏi niềm đam mê và tâm huyết của người nghệ nhân.
Tâm huyết, sự đam mê và nhiệt huyết đằng sau những ấm trà của người nghệ nhân
Hải vốn đi hái chè từ bé, đôi tay cậu đưa qua từng nhành lá còn thoăn thoắt hơn cánh đàn bà. Vùng chè này nuôi sống nhiều đời người, nên thành thử ai cũng quý cái nghề mình đang làm.
“Cảm giác nghề này thuộc về mình, cuộc sống đôi khi cần nhiều cái đánh đổi” – Hải nói.
Rất nhiều người học làm trà sen nhưng không phải ai cũng làm được. Có người ướp đến lần thứ 7, nhưng mẻ trà làm ra vẫn không có hương. Chúng ta vẫn hay nghĩ làm gì cùng cần có bí quyết, nhưng điều quan trọng nhất để cho ra đời thứ trà sen đúng vị, là cái tâm của người nghệ nhân.
“Đến bây giờ mình vẫn nói với mọi người, rằng một khi đã ra quyết định rồi thì đừng bao giờ hối tiếc. Nếu bây giờ cho mình quyết định lại, mình vẫn đi học. Vì môi trường ĐH không chỉ dạy mình tri thức mà còn dạy mình cách làm người có đạo đức, biết đối nhân xử thế. Mình chấp nhận quay trở về, rồi âm thầm chứng minh cho mẹ thấy giá trị mình làm ra bắt đầu tăng dần theo tháng”.
Ai cũng có một nghề nghiệp mà người ta hiểu được cặn kẽ thứ mình đang làm. Mỗi ngày thức dậy, Hải lại bắt đầu quá trình tự mày mò, học hỏi thêm những điều mới và đặc biệt, đánh thức tiềm năng trong trà. Khi đã quyết định đánh đổi tất cả để theo đam mê, thì kể cả phải làm việc một mình, Hải vẫn cảm thấy những túi trà là người bạn “có hồn” luôn bên cạnh. Nếu mọi người hỏi cậu tiếc gì nhất trong 4 năm vừa qua, thì có lẽ là thời gian.
Nếu được chọn, Hải mong một ngày sẽ có 48 hay 96 tiếng, để cậu thoải mái nghiên cứu và ôm tất cả công việc làm trà.
Nếu không ướp trà tại đầm, Hải hái sen mang về nhà ướp.
Máy làm khô chè bên trong căn xưởng nhỏ của hai mẹ con.
Những búp trà sen được ủ trong vòng 48 tiếng.
Khi những người trẻ thưởng thức trà, phần nhiều có lẽ vì hiếu kì. Nhưng trong các đơn hàng gửi đi, Hải đều gửi gắm: “Bạn hãy là người đầu tiên thưởng thức trà, để có thể cảm nhận sản phẩm của mình có sự khác biệt”.
“Khi bán hàng, mình không so sánh trà của mình với bất cứ sản phẩm nào. Mình không quảng cáo trà của mình là ngon nhất, khác biệt nhất, mình để dành cho khách hàng cảm nhận. Đấy mới là trải nghiệm thực sự của họ. Mình chấp nhận khách trả lại hàng nếu họ không ưng ý. Thậm chí mình sẵn sàng tặng trà với mong muốn họ uống cho đến khi nào ngấm được tâm huyết bên trong. Nhiều người bảo mình điên, nhưng mình hoàn toàn xứng đáng với cái điên đó”.
Khách hàng mua trà, Hải mong muốn họ quý thành phẩm cậu làm ra như chính tay họ làm. Đó là một thứ thức uống của ngày xưa, có hồn, có giá trị văn hoá. Vì bàn trà đưa mọi người đến với những câu chuyện đôi khi người ta giấu trong lòng mà chưa từng kể ra. Và, bản thân Hải cũng tự nhận mình là người sống chậm, ưa sự hoài niệm và khát khao gợi lại kỉ niệm cho người khác thông qua những ấm trà.
– “Sau 4 năm, anh nghĩ mình đã thành công chứ?”.
– “Thực sự là chưa. Đây mới chỉ là bước đệm vững chắc từ khi mình có trong tay 20 triệu để về quê làm chè hữu cơ. Bây giờ, điều mình thoải mái nhất là những người hàng xóm không còn hỏi mình làm gì, họ cũng đã quay sang khen sự lựa chọn của mình là đúng đắn. Trong tương lai, mình sẽ phấn đấu làm ra những sản phẩm mới mà mọi người chưa từng biết, chưa từng nghĩ mình có thể làm ra”.
Hải pha một ấm trà mới hái trên đồi mời khách.
Ấm trà hoàn hảo ở mức nhiệt 90 độ C.
Hải hy vọng, căn nhà của cậu sau này sẽ đón tiếp thật nhiều du khách thập phương cùng đến thưởng thức và trải nghiệm công việc của một người làm trà, để họ hiểu được, pha được một ấm trà tuyệt hảo đòi hỏi sự tâm huyết và vất vả như nào.
Sắp tới, Hải sẽ đăng ký bảo hộ thương hiệu trà sen nhà mình. Có một thứ gì đó của mình rồi, như người bạn của tuổi thơ, cậu sẽ bảo vệ và coi nó như một đứa con tinh thần, sẽ cùng nhau đi thật lâu và thật xa, đến khi nào không còn đủ sức nữa mới thôi.
“Mỗi người mỗi ngành, cứ chịu thương chịu khó yêu nghề là được” – cô Vân nhẹ nhàng nói – “Cô có thể đã từng trách móc và chán chường khi Hải quyết định về quê nối nghiệp của bố mẹ. Nhưng 4 năm qua, thấy con mình trưởng thành từng ngày, cũng coi như toại nguyện mong ước. Bây giờ con lớn rồi, con muốn làm gì là tuỳ theo ý thích của con.
Con yên tâm, con bảo sao thì mẹ làm thế”.
Đằng sau câu chuyện cử nhân báo chí bỏ phố về quê là bài học đam mê của một chàng trai trẻ.
Trí thức trẻ