Các startup trong ngành Beauty & Spa trên thế giới thường áp dụng mô hình kinh doanh nào?

Bài viết này dành cho các startup founder đang tìm kiếm một mô hình kinh doanh phù hợp để khởi nghiệp trong lĩnh vực Beauty & Spa, một lĩnh vực chưa bao giờ hết hot bởi quy mô thị trường lớn. Nghiên cứu hơn 30 tech startup trên thế giới trong lĩnh vực này, Kênh sắc đẹp tổng hợp những mô hình kinh doanh phổ biến nhất, cùng một số đại diện startup nổi bật

Theo Statista, doanh thu từ Beauty & Personal Care tại Việt Nam đạt 1,959 triệu USD vào 2020, và kỳ vọng đạt 2,603 triệu USD vào 2026. Con số này với thị trường toàn cầu là 503,589 triệu USD và 679,657 triệu USD vào 2021 và 2026. Với thị trường spa, quy mô thị trường spa toàn cầu đạt 47.5 tỷ USD vào 2020, và dự kiến tăng tới 117.8 tỷ USD vào 2028.

Đây rõ ràng là những số liệu ấn tượng cho thấy miếng bánh thị trường đang ngày càng lớn, để ngỏ cơ hội cho các startup với công nghệ và các mô hình kinh doanh mới khai thác.

CÁC MÔ HÌNH KINH DOANH PHỔ BIẾN TRONG NGÀNH BEAUTY & SPA

➤ Platform kết nối user và công cụ SaaS cho các đơn vị cung cấp dịch vụ làm đẹp (beauty service provider)

➤ Bán các sản phẩm làm đẹp online (e-commerce, O2O, subscription,…)

* Tiêu chí lựa chọn của ThinkZone bao gồm việc startup đó phải có hàm lượng công nghệ cao trong mô hình kinh doanh, nên những mô hình bán sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ làm đẹp thuần offline không được bao gồm trong danh sách này.

Dưới đây, chúng ta hãy lần lượt đi qua từng mô hình cùng một vài cái tên đại diện nhé.

1. Platform kết nối user và công cụ SaaS các đơn vị cung cấp dịch vụ làm đẹp (beauty service provider)

Hai startup nổi bật được lựa chọn cho mô hình này là Planity và Fresha.

 

1.1. Planity

Planity là nền tảng kết nối giúp khách hàng có thể đặt lịch hẹn online với các dịch vụ làm đẹp như spa, thợ làm tóc, thẩm mỹ viện,… Bên cạnh đó, với phía beauty service provider, Planity còn là công cụ giúp các đơn vị này quản lý lịch hẹn, vận hành, báo cáo doanh thu, phân tích khách hàng, chính sách loyalty,…

 

Theo số liệu thống kê của Planity, nền tảng kết nối và công cụ SaaS của startup này đã giúp khách hàng và các beauty service provider nhận được nhiều giá trị như:

➤ Khách hàng đặt lịch 24/7, online, và mọi lúc mọi nơi.

➤ Giảm tỷ lệ khách hàng quên lịch tới 4 lần với tính năng nhắc lịch qua tin nhắn SMS.

➤ Tăng tỷ lệ có lịch hẹn tới 50% cho service provider trong thời gian ngoài giờ mở cửa.

➤ Tăng tần suất tới cửa hàng của khách hàng tới 60% do hiệu quả truyền thông qua nền tảng.

Tập trung vào thị trường châu Âu, Planity hiện đang thống lĩnh thị trường tại Pháp, và đang hướng tới mở rộng thị trường sang các quốc gia châu Âu khác, bắt đầu từ Đức. Mục tiêu của Planity là trang bị công cụ đặt lịch online cho 60% số beauty service provider tại châu Âu trong 5 năm (con số ước tính hiện tại là 13%).

Một vài số liệu nổi bật

Thành lập tại Pháp vào 2016, tới nay Planity đã đạt được một số thành tựu nổi bật như:

➤ Hơn 1 tỷ euro tổng giá trị booking.

➤ Trung bình 1 booking được tạo mỗi giây trên nền tảng Planity.

➤ 2 triệu Monthly Active Users.

➤ Đã gọi vốn tổng cộng 55.7 triệu USD, trong đó vòng gọi vốn gần nhất là vào tháng 7/2021 với 30 triệu Euro.

Mô hình kinh doanh

Mặc dù được biết đến phổ biến như là một nền tảng kết nối khách hàng với beauty service provider, nhưng Planity lại không thu tiền từ hoạt động kết nối (không giống các platform như Grab hay Airbnb thu commission từ booking value). 

Planity định vị mình là một công ty SaaS, trong đó startup này thu tiền từ phí monthly subscription của các đơn vị sử dụng công cụ Planity cho việc quản lý lịch hẹn, vận hành, phân tích khách hàng,…

Với mô hình kinh doanh này, bài toán lớn nhất của Planity là thu hút các service provider sử dụng công cụ SaaS của mình, còn nền tảng kết nối đóng vai trò là add-on value để các hãng spa, salon, tiệm cắt tóc,… có thêm động lực sử dụng công cụ này.

1.2. Fresha

Tương tự như Planity, Fresha cũng cung cấp cả nền tảng kết nối khách hàng và công cụ SaaS cho beauty service provider, trong đó startup khởi đầu với mô hình SaaS trước (với tên cũ là Shedul), sau đó mở rộng mô hình sang cả nền tảng kết nối.

Về mặt sản phẩm, Fresha cung cấp nhiều tính năng hơn so với Planity, xét về khía cạnh công cụ SaaS, bao gồm quản lý lịch, thanh toán trực tuyến, quản lý khách hàng, quản lý nhân viên, phân tích dữ liệu, marketing, tạo voucher,…

Một vài số liệu nổi bật

Thành lập từ 2015 tại Anh, tính đến tháng 6/2021 Fresha đã đạt được:

➤ 50,000 khách hàng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ làm đẹp.

➤ 150,000 stylist và chuyên gia làm đẹp.

➤ Hoạt động tại hơn 120 quốc gia (chủ yếu là Anh, Mỹ, Canada, New Zealand và các nước châu Âu).

➤ 250 triệu booking đã được tạo.

➤ Tổng vốn đã gọi là 132.5 triệu USD, trong đó vòng gọi vốn gần nhất là 100 triệu USD Series C vào tháng 6/2021. Định giá của Fresha trong vòng gọi vốn 20 triệu USD Series B trước đó là 105 triệu USD.

 

Mô hình kinh doanh

Điểm thú vị của Fresha so với Planity là: mặc dù đầu tư nhiều vào việc xây dựng tính năng cho công cụ SaaS, nhưng Fresha lại không hề thu phí sử dụng công cụ này.

Ngược lại với Planity, Fresha thu phí từ việc kết nối khách hàng với các beauty service provider trên nền tảng của mình, với chính sách giá cụ thể là:

➤ Transaction Fee: Fresha thu phí $0.2 + 2.19% tổng giá trị booking cho mỗi booking được tạo online.

➤ New client fee: Fresha cũng thu finder’s fee trên mỗi khách hàng mới lần đầu đặt lịch của service provider, với mức one-time fee là 20% giá trị giao dịch đầu tiên. Với các returning customer của service provider đó, mức giá được áp dụng như trên. Lưu ý: một khách hàng có thể là new customer của spa A, nhưng lại là returning customer của tiệm cắt tóc B.

Với mô hình kinh doanh này, bài toán lớn nhất của Fresha là thu hút cả khách hàng và beauty service provider tham gia vào nền tảng kết nối của mình, và công cụ SaaS là add-on value dành cho các service provider.

* Ở Việt Nam, một số startup đang đi theo mô hình giống Planity và Fresha có thể kể tới iSalon, EasySalon, hay Lookme.

2. Bán các sản phẩm làm đẹp online

Mô hình phổ biến còn lại của các tech startup trong lĩnh vực Beauty & Spa là bán sản phẩm làm đẹp online, với một số biến thể về mô hình kinh doanh. Một số đại diện nổi bật bao gồm:

➤ E-commerce kết hợp AI – Naked Poppy

➤ E-commerce theo mô hình O2O – MyGlamm

➤ E-commerce cùng mô hình subscription – Ipsy

1. Naked Poppy

Thành lập từ 2019, Naked Poppy là công ty chuyên bán các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp (trang điểm, skincare) với nguyên liệu sạch, từ thiên nhiên, không có chất độc hại với sức khỏe.

Điểm nổi bật của Naked Poppy là startup này sử dụng thuật toán AI (đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ) để phân tích dữ liệu khách hàng (như màu da, dị ứng, màu tóc,… thu từ một form khảo sát khi khách hàng mới mua sản phẩm của Naked Poppy) để gợi ý các sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu của họ.

Nhắm vào thị trường Mỹ, Naked Poppy hiện đang bán hơn 500 sản phẩm và đã gọi vốn tổng cộng 5.1 triệu USD.

 

2. MyGlamm

Thành lập từ 2015, MyGlamm là nền tảng bán các sản phẩm làm đẹp với mô hình O2O, kết hợp cả bán online và bán offline tại các cửa hàng trên khắp Ấn Độ. Bên cạnh đó, startup này cũng sử dụng công nghệ nhằm giúp khách hàng dễ dàng tìm thấy sản phẩm phù hợp với mình, cùng kênh blog và mạng xã hội để xây cộng đồng, tăng tương tác với khách hàng về các chủ đề làm đẹp.

Hiện tại, MyGlamm đang bán hơn 800 mặt hàng bao gồm đồ trang điểm, chăm sóc da, chăm sóc tóc,… với 250,000 khách hàng mới mỗi tháng, cùng 15,000 điểm bán hàng trên khắp các thành phố tại Ấn Độ (đóng góp 40% cho tổng doanh thu của MyGlamm). 

Tổng vốn đã gọi của MyGlamm là 161.9 triệu USD, trong đó vòng gần nhất startup này gọi 71 triệu USD vào tháng 7/2021 ở định giá 270 triệu USD.

Tháng 8/2020, MyGlamm cũng mua lại POPxo, cộng đồng online lớn nhất của giới nữ tại Ấn Độ về đa dạng các chủ đề từ thời trang, làm đẹp tới cưới hỏi, showbiz,… POPxo hiện có khoảng 300,000 Monthly Active User, và kỳ vọng đạt 100 triệu MAUs vào tháng 3/2022. Thương vụ mua lại POPxo giúp MyGlamm giải quyết bài toán về thu và giữ chân khách hàng, làm giảm đáng kể Customer Acquisition Cost – CAC.

 

➤ Tìm hiểu thêm về cách tính CAC trong bài viết: Tính Customer Acquisition Cost thế nào cho đúng cách?

 

3. Ipsy

Thành lập từ 2011, Ipsy là nền tảng online subscription cho các sản phẩm làm đẹp. Dựa trên nhu cầu và đặc điểm của khách hàng, hàng tháng Ipsy sẽ gửi một subscription box, gọi là Glam Bag, với giá $13/ tháng, trong đó bao gồm những sản phẩm làm đẹp phù hợp với nhu cầu mỗi người.

Bên cạnh mô hình subscription, Ipsy cũng kiếm tiền từ việc bán các sản phẩm mỹ phẩm riêng lẻ, trong đó có 1 số dòng sản phẩm do Ipsy tự sản xuất.

Xét về số liệu kinh doanh, Ipsy tới nay đã đạt được những con số ấn tượng như:

➤ 4.3 triệu subscribers cho Glam Bag.

➤ Doanh thu ước tính trong năm 2020 là hơn 1 tỷ USD, đã có lợi nhuận.

➤ Tổng vốn đã gọi của Ipsy là 237.2 triệu USD, trong đó vòng gọi vốn gần nhất là $134 triệu USD vào tháng 12/2020. Trước vòng gọi vốn mới nhất này, Ipsy được định giá 800 triệu USD.

Thành công của Ipsy phần nhiều được cho là đến từ cộng đồng khách hàng sẵn có từ trang blog và kênh Youtube về làm đẹp của co-founder Michelle Phan (8.8 triệu người theo dõi). Sau này Ipsy cũng kết hợp với nhiều beauty vlogger khác đểquảng bá Ipsy, với ước tính hơn 10,000 beauty vlogger đã từng quảng bá cho Ipsy.

Ngoài ra, lợi thế cạnh tranh của Ipsy cũng đến từ network rộng với các nhãn mỹ phẩm, khi Ipsy thương lượng được với các hãng đưa các sản phẩm mới của mình vào Glam Bag với mức giá rất rẻ hoặc thậm chí là miễn phí, để đổi lấy sự tiếp cận tới tệp subscriber lớn của Ipsy. Đây là lý do giúp Ipsy có thể giữ mức giá rẻ, chỉ $13/ tháng, cho các hộp Glam Bag bao gồm nhiều sản phẩm của các thương hiệu lớn để thu hút khách hàng như vậy.

TỔNG KẾT

Trên đây là một số mô hình kinh doanh phổ biến trong lĩnh vực Beauty & Spa của các tech startup trên thế giới, cùng một số công ty nổi bật. Theo bạn, những mô hình này liệu có thể được áp dụng tại thị trường Việt Nam? Và đâu là những cái tên sẽ dẫn đầu thị trường? Chúng ta hãy cùng chờ xem.