Đường Thái Tông Lý Thế Dân (599 – 649) là vị Hoàng đế thứ hai của vương triều Đại Đường trong lịch sử phong kiến Trung Hoa.
Thuở thiếu thời, ông chính là người đã khuyên cha mình khởi binh lật đổ nhà Tùy, lại có công đánh dẹp các thế lực đối kháng và gây dựng nên cơ nghiệp Đường triều. Cũng bởi vậy mà Lý Thế Dân sau này vẫn thường được nhìn nhận như một vị Hoàng đế khai quốc đồng sáng lập nhà Đường với Cao Tổ Lý Uyên.
Thế nhưng dù được xem như một vị minh quân, cuộc đời của Đường Thái Tông Lý Thế Dân vẫn tồn tại một vết đen khó có thể gột rửa. Đó là trận chiến huynh đệ tương tàn giữa ông và những người anh em ruột thịt xảy ra vào năm 626, sử cũ gọi là “sự biến Huyền Vũ môn”.
Điều đáng nói hơn còn nằm ở chỗ, biến cố xảy ra ở cổng Huyền Vũ năm ấy cũng là khởi nguồn của một “lời nguyền” đối với hậu duệ của Lý Thế Dân, mà người nói ra lời tiên tri đại hung ấy lại chính là cha ruột của ông – Đường Cao Tổ Lý Uyên.
“Sự biến Huyền Vũ môn”: Tấn thảm kịch huynh đệ tương tàn và vết nhơ ngàn năm khó rửa của Lý Thế Dân
Tranh vẽ chân dung của Đường Thái Tông Lý Thế Dân. (Nguồn: Baidu).
Sự biến Huyền Vũ môn là sự kiện tranh giành quyền lực xảy ra vào năm 626 giữa các con trai của Đường Cao Tổ Lý Uyên, bao gồm Thái tử Lý Kiến Thành, Tần vương Lý Thế Dân và Tề vương Lý Nguyên Cát.
Trong đó, Lý Nguyên Cát và Lý Kiến Thành là phe liên minh muốn lật đổ Lý Thế Dân. Hai phe cánh này ra sức gây dựng thế lực riêng và dùng nhiều thủ đoạn để triệt hạ đối thủ.
Sau cùng, Lý Thế Dân đã trở thành người chiến thắng khi hạ sát Lý Kiến Thành cùng Lý Nguyên Cát ngay tại cửa Huyền Vũ. Cũng trong sự biến năm đó, ông đã ép cha ruột là Cao Tổ Lý Uyên buộc phải lập mình làm Thái tử.
Không chỉ vậy, Lý Thế Dân vì muốn diệt trừ hậu họa về sau nên đã quy cho Kiến Thành và Nguyên Cát tội danh làm phản, nhân đà này giết sạch toàn bộ những người có liên quan cùng dòng tộc của họ.
Việc lên ngôi của Lý Thế Dân rất nổi tiếng qua Sự biến Huyền Vũ môn. Trong cuôc chính biến này, ông đã giết chết hai người anh em của mình là Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát tại Huyền Vũ môn, thành Trường An. (Tranh minh họa: Nguồn Baidu).
Trong cuộc thanh trừng đẫm máu nói trên, 5 người con trai của Lý Kiến Thành và 2 người con trai của Lý Nguyên Cát đều bị hạ sát. Thế nhưng vẫn có một nhân vật may mắn thoát nạn, đó không ai khác ngoài Dương Khuê My – vợ của Tề vương Lý Nguyên Cát, tức em dâu Lý Thế Dân.
Tuy nhiên lý do khiến người mỹ nhân này được tha chết lại hết sức trớ trêu: Đó là vì nàng đã lọt vào mắt xanh của chính anh rể mình.
Sau khi hạ sát Lý Nguyên Cát và tàn sát toàn bộ gia tộc của em trai, Lý Thế Dân vẫn thản nhiên nạp em dâu vào hậu cung làm quý phi. Nếu không vấp phải sự phản đối kịch liệt từ bá quan văn võ, mỹ nhân này thậm chí đã có thể danh chính ngôn thuận trở thành Hoàng hậu đương triều.
Cuộc chính biến Huyền Vũ môn kết thúc trong thắng lợi cũng là lúc Lý Thế Dân bước lên đỉnh cao quyền lực. Sau khi trở thành Thái tử, ông đã gây sức ép khiến cha ruột thoái vị, lui về làm Thái thượng hoàng và nhường ngôi cho mình.
Ngày 4 tháng 9 năm 626, Lý Thế Dân chính thức lên ngôi Hoàng đế, tức vua Đường Thái Tông, đổi niên hiệu Đại Đường thành Trinh Quán.
Giai thoại về “lời nguyền” của Đường Cao Tổ Lý Uyên ứng nghiệm lên số phận hoàng tộc nhà Đường
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Theo nhận định của tờ báo QQ News, sở dĩ Lý Thế Dân có thể thu về thắng lợi trong sự biến ở cổng Huyền Vũ là bởi ông vốn dĩ vừa có tham vọng, lại vừa có thực lực.
Năm xưa khi giúp cha bán mạng ngoài chiến trường để gây dựng cơ nghiệp Đại Đường, ông từng được Lý Uyên hứa sẽ phong làm Thái tử. Tuy nhiên sau khi nghiệp lớn đã thành, vua cha đã nuốt lời và chỉ cho ông làm Tần vương.
Hơn nữa, Thái tử Lý Kiến Thành vốn đã có âm mưu muốn trừ khử người em trai này. Vì để bảo vệ bản thân mình, Lý Thế Dân buộc phải “tiên hạ thủ vi cường”. Và sự biến bất ngờ ở Huyền Vũ môn năm đó đã khiến cả Lý Kiến Thành, Lý Nguyên Cát cùng Lý Uyên bất ngờ tới nỗi không kịp trở tay.
Mặc dù may mắn giữ được tính mạng sau chính biến, thế nhưng Đường Cao Tổ Lý Uyên lại bị chính con ruột mình ép phải nhường ngôi. Cũng bởi vậy mà có ý kiến cho rằng ông ngoài mặt thì an phận làm Thái thượng hoàng, còn bên trong lại luôn đem lòng uất hận đối với người con thứ quá mức tài năng như Lý Thế Dân.
Có giai thoại còn truyền lại rằng, khi xưa trước lúc băng hà, Lý Uyên vẫn không quên mối hận năm nào, vì vậy ông đã nói với Lý Thế Dân một lời hết sức cay nghiệt:
“Ngươi giết con cháu ta thì sau này con cháu ngươi cũng sẽ bị như vậy”.
Bấy giờ, Lý Thế Dân vốn chỉ coi đây là một câu hù dọa. Thế nhưng không ai có thể ngờ được rằng, câu nói của Lý Uyên ngay sau đó quả thực đã trở thành một “lời nguyền” ứng nghiệm lên số phận hậu duệ hoàng tộc nhà Lý Đường.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Sử cũ ghi lại, Lý Thế Dân có tổng cộng 14 vị Hoàng tử, tuy nhiên số người có thể may mắn sống đến khi trưởng thành và yên ổn chết già lại ít ỏi vô cùng.
Điều đáng nói hơn còn nằm ở chỗ, những người con trai của Lý Thế Dân đa số đều rơi vào một trong hai bi kịch giống như tấn thảm kịch năm xưa mà ông từng gây ra với huynh đệ của mình. Đó là làm phản hoặc bị người khác giết.
Dưới thời Lý Thế Dân tại vị, lịch sử đã từng ghi nhận sự xuất hiện của 2 án phản loạn khiến cho 3 vị Hoàng tử bị biếm làm thứ dân. Đó là án của Thái tử Lý Thừa Càn và án của Ngô vương Lý Khác.
Trong đó, vụ án của Lý Thừa Càn được cho là có nhiều điểm giống với sự biến Huyền Vũ môn năm xưa.
Cụ thể, Lý Thế Dân ban đầu từng lập con trưởng Thừa Càn làm Thái tử, tuy nhiên sau đó lại lạnh nhạt với người con này và quay sang sủng ái Ngụy vương Lý Thái.
Chính điều này đã khiến Lý Thái được đà kết bè kéo cánh, còn Lý Thừa Càn thì đem lòng uất hận. Vì lo sợ mất ngôi Đông Cung, Lý Thừa Càn cùng những thân tín của mình đã âm thầm lập ra một mưu đồ soán vị. Tuy nhiên chính biến chưa thành thì âm mưu đã bại lộ và bị biếm làm thứ dân.
Thiết nghĩ nếu vị Thái tử này khởi binh thắng lợi, có lẽ hoàng tộc nhà Lý Đường sẽ tiếp tục phải chứng kiến một màn “nồi da xáo thịt” còn đẫm máu hơn sự biến ở cổng Huyền Vũ năm xưa.
Đường Cao Tông Lý Trị là một trong số ít những người con có số phận được cho là may mắn của Lý Thế Dân. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Bên cạnh đó, Lý Thế Dân còn một người con trai là Hán vương Lý Trinh (627 – 688) qua đời vì bị giết. Sau khi làm phản bất thành dưới thời Võ Tắc Thiên tại vị, người này đã chết trong chiến trận và cũng bị khai trừ khỏi hoàng tộc nhà Đường bằng cách đổi sang họ Hủy, phải tới những năm Thần Long mới được phục hồi quan tước.
Không chỉ dừng lại ở đó, trong số 14 người con trai của Lý Thế Dân còn có tới 4 người yểu mệnh qua đời trước khi thành niên.
Chính số phận trớ trêu của những vị Hoàng tử này đã khiến bách tính thời bấy giờ tin rằng, “lời nguyền” của Đường Cao Tổ Lý Uyên năm xưa quả thực đã ứng nghiệm.
Nhìn lại cuộc đời của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, có ý kiến cho rằng con đường lên ngai vàng của ông trải đầy xương máu và nỗi uất hận của những người ruột thịt.
Mặc dù đã danh chính ngôn thuận bước lên ngai vị cửu ngũ chí tôn, thế nhưng ông lại tiếp tục phải chứng kiến sự lặp lại của tấn bi kịch trong gia đình hoàng tộc, mà nhân vật chính lại là những người con trai ruột thịt của mình.
Liệu rằng số phận bi thảm của những vị Hoàng tử ấy có liên quan tới “lời nguyền” năm nào mà Đường Cao Tổ Lý Uyên để lại hay không? Đáp án của câu hỏi này có lẽ là điều mà khó ai có thể dám chắc.
Thế nhưng không ít người vẫn cho rằng, cuộc chính biến “nồi da xáo thịt” năm xưa của Lý Thế Dân đã tác động không nhỏ tới nội bộ hoàng tộc vốn dĩ đã bị bao trùm bởi vô số dã tâm và tham vọng quyền lực thời bấy giờ.
*Theo quan điểm của QQ News.
=
Trí thức trẻ