Một khi đối phương đã hết yêu, mọi sự níu kéo bi lụy đều chỉ nhận về được sự thương hại. Hãy học cách buông tay một cách dứt khoát, đừng dây dưa, đừng liên lạc và đừng đánh mất bản thân bởi những cảm xúc không có tương lai.
“Cuộc tình đã kết thúc và bạn thật sự đau lòng. Nhưng dù bạn đang đau khổ đến mức nào, thì bạn vẫn có thể vượt qua đổ vỡ ấy. Đừng cố gắng kéo người cũ quay về bên bạn. Chia tay không phải là tận thế, đừng đánh mất bản thân và cố gắng khiến cho người ấy yêu bạn. Xin đừng!” Có một trích đoạn trong cuốn sách Chia Tay Không Phải Là Tận Thế của tác giả Susan J. Elliott đã từng viết như thế.
Quả thật, chia tay là một học phần bắt buộc để ta có được tấm bằng tình yêu. Vì cứ hiểu đơn giản thế này, rất hiếm có một người nào mà từ bé đến lớn chỉ quen một người, chỉ yêu một người, rồi sống với người ấy đến đầu bạc răng long! Có thể giữa cơ man những người trải qua dăm ba mối tình sẽ có những người chỉ dành cả đời để yêu và cưới một người nhưng đó thật sự là số hiếm. Vậy làm cách nào để trải qua học phần “đau thương” này một cách nhẹ nhàng nhất? Đây luôn là điều mà tất cả những cặp đôi đứng trước hai chữ chia tay rất khó có câu trả lời xác đáng. Phải thừa nhận rằng, đa phần chúng ta chưa bao giờ học được cách rời khỏi một mối quan hệ một cách chỉn chu.
Bởi lẽ, rất ít ai nhớ rằng, trong văn hóa yêu đương sẽ luôn xuất hiện một tiểu mục gọi là văn hóa chia tay. Tiểu mục này có nội dung ngắn gọn và xúc tích thế này “Đối với người cũ, thái độ tốt nhất chính là: Không liên lạc, không dây dưa và không chửi mắng.” Thế nhưng, mấy ai trong chúng ta làm được như thế. Vì sao ư? Vì chúng ta luôn để cảm xúc lấn át nhiều thứ khác khi đang ở trong một mối quan hệ tình cảm.
Chúng ta đôi khi quên mất rằng tình yêu đã đi đến bước đường phải chia tay thì cũng nên buông bỏ, bởi nếu còn yêu thì đã không đi đến nước này. Phần đa chúng ta đều để trái tim mình bị kéo lê theo dòng cảm xúc khó ngừng khi có biến cố tình cảm xảy đến. Và cứ thế, chúng ta cố tình bỏ lơ đi hai chữ “văn hóa” khi chia tay.
Có lẽ nói đến đây sẽ có nhiều người cho rằng, khi sắp mất đi một thứ gì đó quan trọng thì đâu có thể để ý đến nhiều thứ khác, cứ lo giữ lấy được người mình yêu rồi tính tiếp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự níu kéo chưa bao giờ là phương pháp tốt nhất để giữ lấy trái tim của một người không còn yêu mình. Hết yêu, buộc phải buông đó là điều tất yếu. Ừ thì, đau đấy, thương đấy, tiếc đấy, đó là lẽ đương nhiên, vì rõ ràng không có một cuộc tình nghiêm túc nào đổ vỡ mà không dữ dội như bão lụt miền Trung. Vết thương sau chia tay cũng là vết thương khó lành nhất.
Nhưng, như từ đầu đã nói, dù bạn có đau khổ đến mấy thì bạn vẫn có thể vượt qua được đổ vỡ ấy. Đó là điều chắc chắn! Vì mọi nỗi đau đều có thể vơi đi chỉ cần chúng ta cho nó đủ thời gian và tuyệt đối đừng khơi miệng vết thương lên nhiều lần, hãy tìm cách lãng quên vậy thì bạn sẽ mất đi cảm giác đau. Thế thì lãng quên bằng cách nào, bằng cách dứt khoát, bằng cách không dây dưa, bằng cách không liên lạc với người cũ. Văn hóa chia tay lúc này cần thiết hơn bao giờ hết!
Có người từng nói, khi bạn thực sự yêu một người, bạn sẽ không thể quay trở lại làm bạn bình thường của người ấy được nữa. Bởi chỉ cần nhìn thêm một chút, là lại ước ao có được. Điều này chẳng cần bàn cãi nhiều thì ai cũng phải gật gù công nhận. Một mối tình tan vỡ, ai là người vừa đi qua cơn bão tình ấy chắc cũng sẽ đều sứt mẻ đôi chút. Những câu tình tự từng nói với nhau, những bức ảnh đôi lãng mạn, tất cả những bằng chứng ngọt ngào rồi sẽ hóa thành lý do khiến bạn giật mình tỉnh giấc lúc nửa đêm. Mọi kỷ niệm đều sẽ nhuốm màu thương đau mỗi khi nỗi nhớ ùa về. Đó là điều mà tất cả mọi người đều sẽ trải qua khi yêu thật lòng và rồi chia tay.
Nhưng, không lẽ, cứ nhớ là gọi, cứ trông mong là tìm đến. Theo kiểu, bất giác trong đêm nỗi nhớ bỗng dưng da diết chỉ cần được nghe tiếng anh/em cũng đủ thấy ủi an trong lòng ư? Bạn biết không, đó chính là sai lầm sau chia tay mà cảm xúc mù quáng luôn khiến chúng ta mắc phải đấy. Có thể bạn còn nhớ, bạn còn thương, còn vương còn vấn nhưng không có nghĩa đối phương cũng thế. Với họ đó là gánh nặng canh cánh trong lòng, bạn có biết không? Vì họ đã hết yêu rồi, lúc này nếu biết trái tim bạn vẫn còn đau đáu đến thế, họ sẽ nảy sinh sự thương hại và nặng lòng theo nghĩa tiêu cực vô cùng.
Vậy nên, khi bước ra khỏi một mối quan hệ, dù là còn yêu hay hết yêu thì việc không dây dưa, không liên lạc với nhau luôn là cách người trưởng thành thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau. Những đẹp đẽ lung linh khi trước chúng ta có thể nhớ, nhưng xin hãy gói gọn trong tâm hồn thôi, đừng phơi bày chúng ra theo cách ủy mị sướt mướt. Đừng đánh mất bản thân và cố gắng khiến cho người ấy yêu bạn trở lại. Vì đó là điều không thể! Tình yêu đôi lứa không có chỗ cho sự đáng thương hay thương hại. Và bạn nên nhớ, chia tay là chấm hết. Chia tay rồi, đừng cố dây dưa khi biết không thể đi cùng nhau suốt đời.
Tuyệt đối cấm kỵ hơn nữa đó là đừng cố gắng kéo dài hi vọng mỏng manh ấy bằng tình bạn. Người ta chia tay rồi mà vẫn có thể làm bạn thì chắc chắc họ vẫn còn tình cảm hoặc có những vấn đề khúc mắc chưa giải quyết. Còn liên lạc là còn luyến tiếc, còn chưa chịu chấp nhận kết cục. Chính điều đó làm mờ mắt bạn, làm bạn không đủ can đảm để đón nhận những tình cảm khác, bạn sẽ sa vào vũng lầy khó thoát.
Lòng cứ nhớ mãi không quên là điều có lẽ ai ai cũng gặp phải, nhưng một khi đã chia tay rồi, thì tốt nhất nên toàn tâm toàn ý mà yêu lấy mình vẫn hơn. Phải biết một điều rằng, lúc còn bên nhau thì yêu chiều nhau hơn một chút, còn khi chia tay, hãy bình thản hơn một chút. Câu hứa hẹn bên nhau đến già thực chất cứ coi như lời nói đầu môi, bỏ được thì bỏ, vì rồi chúng ta cũng chỉ là một chấm nhỏ giữa biển người bao la ngoài kia.