Ngoại tình cũng cần lý do ư?

Cuộc tình dù đúng dù sai, tổn thương nhất vẫn là... người bị "cắm sừng".

Quả thực khi đang trong một mối quan hệ, chẳng ai nghĩ mình sẽ lâm vào cảnh bị phản bội. Bởi vậy khi điều đó xảy ra, có lẽ đa phần chúng ta sẽ cảm thấy cực kỳ tổn thương và phẫn nộ.

Nhưng trước khi đổ lỗi cho người khác, đôi lúc chúng ta cũng cần nhìn nhận lại bản thân, và bỏ công tìm hiểu lý do thực sự khiến một người bước vào con đường ngoại tình. Chỉ khi hiểu được cặn kẽ, bạn mới có thể ngăn chặn được điều đó xảy ra mà thôi.

Ai sẽ là người phản bội

Trong một mối quan hệ, ai sẽ có xu hướng phản bội? Đàn ông hay phụ nữ?

Nhiều người cho rằng đàn ông dễ ngoại tình hơn phụ nữ. Nhưng thực tế thì đàn ông không thể ngoại tình với nhau được. Đã có rất nhiều nghiên cứu về chủ đề này, và đa phần đều kết luận rằng tỷ lệ phụ nữ ngoại tình cũng chẳng kém gì đàn ông cả.

Alicia Walker – tiến sĩ tâm lý tại Hoa Kỳ, tác giả cuốn The Secret Lives of Cheating Wives – cho biết cô đã thực hiện khảo sát trên 50 phụ nữ với độ tuổi 24 – 54. Theo đó, phụ nữ ngoài 40 tuổi là dễ ngoại tình nhất. Tuy nhiên, họ không hề muốn từ bỏ gia đình của mình. Mọi thứ đơn giản chỉ là đi tìm trải nghiệm mới mà thôi.

Lý do vì sao con người ngoại tình và cách để ngăn nó xảy ra

1. Mối quan hệ dần thiếu đi sự đam mê

Theo nghiên cứu từ ĐH Loras (Hoa Kỳ) vào năm 2008, thì “thiếu lửa” là một trong những lý do chính khiến một mối quan hệ dần đi vào bế tắc. Dù 2 người vẫn có cảm xúc, nhưng thiếu đi đam mê có thể đẩy một trong hai đến con đường ngoại tình.

Để ngăn nó xảy ra thì ngay khi nhận ra dấu hiệu, hãy thẳng thắn trò chuyện cùng người thương, chia sẻ về nhu cầu của bản thân và sẵn sàng đón nhận những điều mà đối phương cần. Ngoài ra, đừng ngại thử những trải nghiệm mới cho cả 2.

2. Thiếu sự thỏa mãn về cảm xúc

Đây là một vấn đề nguy hiểm, vì nếu cảm xúc thân mật của cả 2 không còn nguyên vẹn, bạn có thể dần cảm thấy chán nản và đi tìm hạnh phúc mới bên ngoài. Mối quan hệ càng kém thân mật, tỷ lệ ngoại tình càng cao.

Muốn tránh, hãy thực sự tỏ ra có trách nhiệm với mối quan hệ của mình. Thay vì từ bỏ, hãy tìm cách để cả 2 làm được nhiều việc cùng nhau, tạo ra những kỷ niệm mới giàu ý nghĩa. Khi một trong hai mắc lỗi, đừng bỏ đi mà hãy cùng nhau giải quyết cho triệt để, bởi một vấn đề không được giải quyết sẽ là nền tảng cho những xung đột khác trong tương lai.

Hơn nữa, cần nhớ rằng đối phương cũng có cảm xúc và ý kiến của riêng mình. Vậy nên hãy tập cách lắng nghe nhiều hơn, đừng kiểm soát.

3. Hết yêu, hoặc đã yêu người khác

Khi biết rằng “người ta đâu có yêu mình có thương gì mình”, đó thực sự là một trải nghiệm đau đớn. Thậm chí còn đau hơn nữa nếu như mới chia tay mình, người ta đã tay trong tay cùng người khác.

Và đôi khi, cảm xúc ấy cũng xảy ra với chính bạn, từ một cô đồng nghiệp mới quen, từ anh chàng điển trai galant hết mức gặp ở hàng cafe… Bạn cảm thấy trái tim như ngừng đập, hormone tình yêu tiết ra loạn nhịp với một người mới gặp. Rồi bạn bắt đầu có thói quen so sánh “crush” với người yêu hiện tại, và cảm xúc cứ ngày càng nhạt đi.

Tâm lý học gọi đây là trạng thái “cảm nắng” nhất thời, có thể dễ dàng khiến mối quan hệ trở nên bế tắc nếu không xử lý.

Vậy phải làm sao? Thực ra mọi mối quan hệ sẽ có lúc trải qua thử thách. Quan trọng là bạn cần phải nhớ rằng bất kỳ ai cũng có khuyết điểm, dù là người yêu bạn hay “crush” đang sở hữu hình ảnh long lanh trong trái tim bạn cũng vậy thôi. Hãy giữ gìn những gì mình đang có, bao dung hơn với họ, và bạn sẽ dần cảm thấy hạnh phúc hơn.

4. Tức giận là nguồn cơn gây ngoại tình

Bạn nghi ngờ người ấy đang phản bội, hoặc thậm chí bắt gặp họ làm như vậy. Bạn tức giận và muốn trả thù. Nhưng bằng cách nào? Bằng cách chính mình cũng đi ngoại tình!

“Động lực khiến người ta ngoại tình là sự tức giận và trả thù” – Dylan Selterman, chuyên gia tâm lý học cho biết.

Nếu quả thực bạn bị phản bội, bạn muốn trả thù và bạn thấy ổn với điều đó thì cũng tốt thôi. Nhưng nếu chỉ đang nghi ngờ mà đã phản bội, bạn có thể phải trả một cái giá đắt đấy.

Cách để tránh bị cảm xúc điều khiển trong tình huống này là phải nghĩ đến chính bản thân mình. Bạn không thể chịu trách nhiệm cho hành động của người khác, nhưng có thể chủ động kiểm soát hành động và cảm xúc của mình. Thay vì tức giận, hãy bình tĩnh lại, và mọi chuyện sẽ được giải quyết hiệu quả hơn.

5. Tò mò, muốn một trải nghiệm mới

Xã hội ngày nay đang cho chúng ta quá nhiều lựa chọn với internet bùng nổ, ứng dụng hẹn hò (Tinder), hay đơn giản chỉ là đi tập gym thôi. Mà khổ nỗi khi bạn có nhiều lựa chọn, khả năng ngoại tình cũng tăng lên.

Mối quan hệ của bạn vẫn rất tốt, nhưng vì có nhiều lựa chọn mà bạn cảm thấy tò mò, muốn chinh phục nhiều hơn, và rồi trở thành một kẻ ngoại tình.

Cách để tránh khỏi tình huống này không gì khác ngoài việc phải tự kiểm soát bản thân. Còn với đối phương, hãy để ý những đặc điểm của họ ngay từ khi bắt đầu mối quan hệ. Nếu đối phương quá chú ý đến những người xung quanh, đó là một dấu hiệu “không lành” nếu bạn muốn có một mối quan hệ nghiêm túc và chung thủy.