Lời cảnh báo, Câu chuyện cuộc sống: Mối nguy hại từ vi khuẩn, nấm từ căn bếp, sinh viên nên hay không đi làm thêm?

Trong chương trình Lời cảnh báo, Câu chuyện cuộc sống, chúng ta bắt gặp hai vấn đề quen thuộc nhưng lại đáng suy ngẫm: Việc vệ sinh căn bếp tránh vi khuẩn, nấm mốc gây bệnh và câu chuyện sinh viên nên chọn việc học hay vừa học vừa làm.

Lời cảnh báo với câu chuyện từ trong chính căn bếp mỗi gia đình. Nhà bếp là nơi chúng ta nấu những bữa ăn ngon cho gia đình, tuy nhiên nếu không chú ý thì đây là ổ vi khuẩn mà các thành viên trong gia đình cần lưu ý. Đặc biệt là những thực phẩm tươi sống và những sản phẩm hết hạn.

Bếp chứa nhiều vi khuẩn, vi nấm, nhiều hơn cả nhà vệ sinh nhưng nhiều người lại xem nhẹ nơi đây dẫn đến tình trạng dễ bị nhiễm khuẩn ra xung quanh.

Có rất nhiều cách vi khuẩn xâm nhập vào từ bếp núc, đặc biệt những căn trọ ẩm thấp, nhưng lại bố trí nhà vệ sinh sát căn bếp. Những nơi ẩm thiếu ánh nắng chiếu vào. Do đó, rất dễ cho khuẩn, nấm mốc phát triển.

Đặc biệt do thói quen của mỗi người, có không ít người mang thức ăn từ bên ngoài vào về nhà cất trữ trong tủ lạnh khiến vi khuẩn dễ dàng phát triển. Trong khi đó nhiều gia đình lại có thói quen để thùng rác cạnh khu vực nấu ăn. Tuy nhiên, thùng rác lại là nơi kém vệ sinh, nhiều dụng cụ như muỗng, nĩa… bị bụi bẩn dễ làm mất vệ sinh.

Mai Hằng – chuyên gia dinh dưỡng cho biết: “Nếu đi chợ thì có rất nhiều thực phẩm như cá, thịt, tôm… mình sử dụng xong bỏ vào sọt rác. Dao, thớt mình bầm thịt xong thì chỉ nghĩ đơn giản là rửa sơ qua nhưng lâu ngày lại phát sinh ra vi khuẩn. Trên thực tế đó là nguyên nhân gây nhiều vi khuẩn mà mắt thường không thấy”.

Bên cạnh vi khuẩn thì nấm mốc cũng được xem là mầm bệnh nguy hiểm cho con người. Nếu cố sử dụng trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư gan. Thực tế tác nhân gây bệnh lại là các thức ăn mang về.

Chúng ta nên để căn bếp sạch sẻ, ít vi khuẩn, nên vệ sinh dao, thớt, chén, nĩa… khi sử dụng xong cần rửa sạch, trụng nước sôi và phơi nắng” – Chuyên gia dinh dưỡng Mai Hằng cho lời khuyên.

Ngoài ra chúng ta cần bố trí nhà bếp nơi thoáng, có gió, thường xuyên lau dọn, không mua thực phẩm để lâu trong nhà, khi thấy thực phẩm biến chất cần bỏ ngay.

Trong khi đó Câu chuyện cuộc sống số mới đề cập đến chuyện vừa học vừa làm của sinh viên. Nhiều người cho rằng việc vừa học vừa làm giúp cho người trẻ có nhiều trải nghiệm, kiến thức thực tế… Nhưng một số khác lại cho rằng việc vừa học vừa làm dẫn đến việc thiếu tập trung, dẫn đến kết quả của cả hai đều không tốt.

Có thể nói vừa học vừa làm của sinh viên không còn mới mẻ nữa, đó cũng là cách giúp các bạn trẻ chứng minh rằng mình đã trưởng thành. Việc vừa học vừa làm giúp cho sinh viên có thêm một khoảng thu nhập trang trải học phí, phụ giúp bố mẹ. Những việc này cần phải có những trải nghiệm thực tế vì trên ghế nhà trường hay gia đình không thể có được. Bên cạnh đó, còn có thêm những mối quan hệ xã hội giúp ích rất nhiều cho cuộc sống và công việc sau này.

Nguyễn Trần Trung Hải – Nhà nghiên cứu xã hội học tại TP.HCM cho biết: “Việc vừa làm vừa học giúp các bạn trẻ có thêm tiền và bớt phải phụ thuộc vào gia đình. Mặc khác một số người gia đình khá giả họ vẫn muốn đi làm bởi nó sẽ tích lũy thêm vốn kiến thức, kĩ năng làm việc nhóm, kiểm soát cảm xúc, thời gian”.

Tuy nhiên, bên cạnh đó có không ít sinh viên lại vì lao vào việc làm thêm bỏ bê việc học, làm trái ngành không kiếm thêm kinh nghiệm sau này. Với những công việc phức tạp dễ khiến sinh viên bị cuốn vào, gây hệ lụy về sau. Những công việc chiếm nhiều thời gian làm họ thiếu ngủ, ăn uống không đủ chất gây mệt mỏi, làm ảnh hưởng tới việc học.

Nếu các bạn đi làm thêm mà cân đối, sắp xếp thời gian giữa học và làm nó sẽ tốt, vì có thêm tiền, vốn sống, kĩ năng. Khi tốt nghiệp ra trường nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên điều này vì nó đáp ứng đủ những gì họ mong muốn. Nhưng các bạn bị xung đột giữa việc học, làm, gia đình thì các bạn sẽ bị ảnh hưởng trước hết là thành tích học tập” –  Nguyễn Trần Trung Hải – Nhà nghiên cứu xã hội học tại TP.HCM nói thêm.

Chúng ta thấy rằng, không có một đáp án chung nào cho câu hỏi “Có nên hay không nên đi làm thêm” cả, mà còn tùy vào tình huống, thời gian cụ thể. Về phía sinh viên, chúng ta cần phải xác định được mục tiêu việc đi làm thêm, lựa chọn công việc phù hợp với thời gian và sức lực. Dù đi làm cũng nên đặt việc học lên làm đầu. Có như vậy mới giúp sinh viên có nền tảng bước vào đời.

Đón xem các số tiếp theo của Câu chuyện cuộc sống và Lời cảnh báo phát sóng vào 19h50 thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần trên kênh THVL1, trong đó “Lời cảnh báo” phát sóng thứ 2 và thứ 4, “Câu chuyện cuộc sống” phát sóng thứ 3, thứ 5 và thứ 6.