Lời cảnh báo, Câu chuyện cuộc sống cảnh báo việc trục lợi từ hành động nhân ái và câu chuyện sử dụng điện thoại đúng cách khi trời mưa

Bị trục lợi khi làm từ thiện hay việc sử dụng điện thoại gây nguy hiểm khi trời mưa… là những câu chuyện đáng lưu tâm dành cho người dân trong số phát sóng mới của Lời cảnh báo và Câu chuyện cuộc sống.

Phát cơm từ thiện là một nghĩa cử đẹp giữa mối quan hệ con người với nhau. Tuy nhiên, bên cạnh những người nghĩa tình thì có không ít cá nhân lợi dụng những bữa ăn từ thiện nhằm mục đích trục lợi, gây mất trật từ.

Câu chuyện cuộc sống đã phản ánh chân thực về tình trạng này đang diễn ra tại các bệnh viện lớn ở TP.HCM. Nhiều cá nhân đóng giả là bệnh nhân, hoặc người nhà bệnh nhân để trà trộn vào đám đông nhằm mục đích lấy được càng nhiều cơm từ thiện càng tốt.

Hành vi đáng nói sau đó của chúng là bán lại những suất cơm từ thiện này với giá 5 ngàn, 10 ngàn đồng. Đáng nói hơn, nhiều kẻ lợi dụng đám đông đã ra tay móc túi, lấy trộm tài sản.

Sở dĩ hành vi xấu này ngày một báo động vì hầu như những buổi phát cơm từ thiện của các mạnh thường quân thường không có sự giám sát của các đơn vị chức năng.

Các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện ở TP.HCM đa phần là dân tỉnh lẻ, chính vì thế từng đồng tiền với họ là vô cùng quý giá. Những hộp cơm từ thiện không mang nặng về giá trị vật chất nhưng nó cũng góp phần giúp họ có những bữa ăn ấm áp, thấm đẫm tình người.

Tình trạng này không chỉ xảy ra ở các bệnh nhân, người được phát cơm mà những hội nhóm từ thiện cũng bị vạ lây. Nhiều kẻ gian đã kiếm cơ, gây sự khiến các hội nhóm từ thiện nản lòng, tự vấn bản thân có nên tiếp tục hành động đẹp này hay dừng lại.

Ông Nguyễn Thanh Cường – một mạnh thường quân phát cơm tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cho biết: “Người ta đói quá thì người ta muốn chen, muốn giành thôi. Ngày trước có lưu manh trà trộn vào giật túi…”

Trước tình trạng này, nhiều mạnh thường quân chọn giải pháp phát số. Tuy nhiên, tình trạng xếp hàng hay chờ gọi đến số, tên của mình chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Sau đó, việc chen lấn vẫn tiếp diễn.

Vì thế các hội nhóm pháp cơm nên thống nhất với nhau thay vì phát cơm lẻ tẻ. Người làm từ thiện phải sáng suốt và cân nhắc, tránh trường hợp lòng tốt đặt sai chỗ.

Trong số Lời cảnh báo tuần này, chúng ta cùng bàn về một thiết bị điện tử không thể thiếu cho mỗi cá nhân – điện thoại di động.

Việc sử dụng điện thoại lúc trời mưa tưởng như vô hại lại gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến tính mạng của con người. Đặc biệt trong đó là việc bị sét đánh.

Theo thống kế, trong năm qua đã có nhiều trường hợp bị sét đánh thương tâm vì vô ý sử dụng điện thoại khi trời mưa. Trong đó, vụ việc hai em nhỏ vừa sạc điện thoại, vừa sử dụng điện thoại khi trời mưa đã bị sét đánh phải nhập viện khẩn cấp.

Được biết nguyên nhân xảy ra vụ việc thương tâm này không nằm ở mối nguy hại của chiếc điện thoại mà do sự chủ quan, thiếu kiến thức và đặc biệt là sử dụng điện thoại tại các nơi dễ hút tia sét, nơi có địa hình cao, gây mất an toàn.

Việc các thiết bị điện tử cắm sạc, liên kết trực tiếp với các nguồn điện sẽ dễ làm sét thâm nhập vào con đường này gây tai nạn thương tâm.

Tiến sĩ Trần Vũ Hoàng – Giảng viên Khoa điện –điện tử trường ĐH SPKT TP.HCM cho biết: “Mặc dù nghĩ ở trong nhà là an toàn nhưng chưa chắc vì đặc biệt nếu trong nhà không có hệ thống chống sét. Khi sét đánh theo dòng điện đi vào trong nhà và dễ gây ảnh hưởng đến các thiết bị điện tử trong nhà và dễ gây cháy nhà”.

Việc bị sét đánh ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe như việc bị: tim ngừng đập, ngưng hô hấp, hôn mê sâu, tê liệt tạm thời và thậm chí gây tử vong.

Chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến bị sét đánh Tiến sĩ Trần Vũ Hoàng nói thêm: “Việc có bị sét đánh hay không do vị trí đứng của mình chứ không hoàn toàn phụ thuộc điện thoại vì nó sử dụng năng lượng thấp. Nếu đứng ở một không gian mở, không có vật xung quanh, những kiến trúc có kim loại, trạm phát sóng… rất dễ bị sét đánh”.

Mặc dù điện thoại không có chức năng thu dẫn sét nhưng việc kết hợp với vị trí đứng, địa hình đã tạo nên những nguy hiểm không đáng có. Khi xảy ra giông bão, người dân nên rúc phích cắm các dây điện. Nếu cần thiết phải sử dụng điện thoại không nên đứng ở những khu vực cao, nhiều cây, không đứng gần những vật dụng nhiều kim loại…

Đón xem các số tiếp theo của Câu chuyện cuộc sống và Lời cảnh báo phát sóng vào 19h50 thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần trên kênh THVL1, trong đó “Lời cảnh báo” phát sóng thứ 2 và thứ 4, “Câu chuyện cuộc sống” phát sóng thứ 3, thứ 5 và thứ 6.