Với mục đích truyền hơi thở hiện đại vào một biểu tượng văn hóa quen thuộc, NTK Việt Hùng đã cùng Nhiếp ảnh gia Vũ Thanh Tùng và Đại sứ áo dài Việt Nam bảng Thiếu niên Vũ Trần Bảo Nguyên thực hiện bộ sách ảnh “Nón Lá”- Bộ sách ảnh được thực hiện suốt dọc dài ba miền Bắc Trung Nam.
Cảm hứng để thực hiện bộ ảnh đến từ NTK Việt Hùng khi anh luôn hoài niệm trong lòng mình “dáng mẹ tảo tần đi về trong nón lá’. Và những câu chuyện đầy cảm xúc về nón lá mà NTK Việt Hùng đã lưu giữ trong cuộc đời khiến anh muốn lấy hình ảnh đặc trưng này để cùng với nhiếp ảnh gia Vũ Thanh Tùng và Đại sứ áo dài Việt Nam Vũ Trần Bảo Nguyên thực hiện một dự án nhiếp ảnh trải dài suốt cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Không biết từ bao giờ, chiếc nón lá đã trở thành một biểu tượng không thể tách rời với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Không chỉ là một vật dụng che mưa che nắng, tăng thêm nét duyên dáng ngầm của thiếu nữ, chiếc nón đã trở thành một phần trong đời sống văn hóa người Việt. Nón lá gắn bó với mọi giai tầng xã hội từ nhà nông lam lũ ngoài đồng ruộng, người lính ra trận, tài tử giai nhân du xuân trẩy hội, và ngày nay, nón lá còn xuất hiện trên sàn diễn và các cuộc thi người đẹp quốc tế. Nón lá còn đi vào thơ ca và có sức sống mãnh liệt trong kho tàng nghệ thuật Việt Nam.
Trong bộ sách ảnh “Nón lá”, cùng với BST Áo dài của NTK Việt Hùng, Vũ Trần Bảo Nguyên hóa thành “cô gái Tày hái chè trên đỉnh núi…Nón che nghiêng trong sắc trắng hoa ban”, hay một thiếu nữ cầm nón trắng, e ấp trong tà áo dài trắng với những chiều trông ngóng Mẹ “Có tiếng mưa rơi bên vành nón mẹ về”…
Áo dài, nón lá Huế từ lâu đã được xem như “đặc sản” ở đất cố đô. Trong tà áo dài tím và chiếc nón Huế, Vũ Trần Bảo Nguyên đã trở thành biểu tượng của người con gái Huế với “Tay nón lá che nghiêng khuôn ngà ngọc, để nắng chiều lưu lại một vần thơ”…
Chỉ với nón quai thao giản dị của người dân Kinh Bắc, Vũ Trần Bảo Nguyên lại hóa thân thành cô gái miền Quan họ trong câu hát dùng dằng “Người ơi, người ở em về”, hay “Cô gái Thái xoay mình theo điệu múa…Nón lá về rộn rã tiếng khèn khuya”!
Cuốn sách ảnh “Nón lá” được biên soạn với hy vọng góp phần lưu giữ hình ảnh của chiếc nón lá Việt Nam, đồng thời bảo tồn nét văn hóa đẹp đẽ của dân tộc. Sách tập hợp hàng trăm bức ảnh về áo dài và nón lá của NTK Việt Hùng, dưới ống kính của nhiếp ảnh trẻ tài hoa Vũ Thanh Tùng, chiếc nón được miêu tả thông qua góc nhìn đa dạng: Che nghiêng, Tìm, Nón sờn, Nón Huế, Nón quai thao, Nắng mưa, Nón bài thơ, Chiếc nón quê hương, Nón quê, Guốc mộc, Thương, Anh em, em xinh, Áo lụa, Tri kỷ, Bến song quê, Nón về, Mẹ cha, Hơi ấm, Chênh vênh, Bóng cha, An lành, Nhớ mẹ, Nghiêng che, Ngày xưa, Ký ức, Giấc mơ tôi, Quê cũ, Nhớ, Con mơ…
Và mỗi góc nhìn về Đại sứ áo dài Vũ Trần Bảo Nguyên mà NTK Việt Hùng cùng nhiếp ảnh gia Vũ Thanh Tùng và ekip của anh đã rong ruổi thực hiện ở dọc dài đất nước trong suốt hơn hai tháng vừa qua lại là một khám phá rất riêng về vẻ đẹp của nón lá Việt Nam, là niềm trân quý tự hào về truyền thống cội nguồn, là một thông điệp tràn ngập yêu thương dành cho áo dài và những di sản Việt.
Ê-KÍP THỰC HIỆN:
Ảnh: Vũ Thanh Tùng
Trang điểm: Phạm Minh Quân, Triết Nguyễn
Áo dài – Nón lá: NTK Việt Hùng