Cô gái “tố” thẩm mỹ viện Gangwhoo làm hỏng ngực,pháp luật nói gì?

Sự việc chị H.T.T.T (SN 1987) “tố” thẩm mỹ viện Gangwhoo (57 đường 3 tháng 2, P.11, Q.10) làm hỏng ngực sau khi được Bác sỹ Phùng Mạnh Cường của phòng khám này làm phẫu thuật vẫn đang nhận được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các chị em có nhu cầu làm đẹp bằng dao kéo.
Trước lời giải thích của bà Lê Thị Hiền – chủ tịch hội đồng thành viên của công ty này cho rằng “Trước khi phẫu thuật khách hàng đã đồng ý ký vào giấy cam kết. Do đó khách hàng phải tới tái khám, thẩm mỹ viện đồng ý trả lại một nửa số tiền nếu khách hàng trả lại hai túi ngực. Nếu trường hợp khách hàng gây ra thiệt hại này kia thì luật sư sẽ làm việc với khách hàng”.
Một câu hỏi đặt ra là, vậy thì khi khách hàng đặt bút ký vào giấy cam kết trước khi phẫu thuật thẩm mỹ, nếu sau đó bị hư hỏng thì khách hàng có được khiếu nại không hay phải chấp nhận thực hiện đúng theo cam kết đã ký. Bên cạnh đó, nhiều độc giả cũng bày tỏ thắc mắc rằng khi bị hư hỏng sau phẫu thuật thẩm mỹ thì có được dùng mạng xã hội để đăng tải “bóc phốt” không và khi phàn nàn trên mạng xã hội thì làm sao cho đúng luật?
Từ những lời băn khoăn này, PV báo Sức khoẻ cộng đồng đã lắng nghe ý kiến phân tích từ Ths. Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
 

Thẩm mỹ viện Gangwhoo bị khách hàng “tố” làm hỏng ngực.

 

Thưa Luật sư, việc khách hàng ký cam kết với thẩm mỹ viện Gangwhoo trước khi lên bàn mổ nhưng sau khi mổ xong, kết quả không như ý thì những điều khoản trong tờ Giấy cam kết có hiệu lực không?

 

Phẫu thuật nói chung và phẫu thuật thẩm mỹ nói riêng chứa đựng nhiều rủi ro do đó các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thường yêu cầu khách hàng phải ký cam kết trước khi phẫu thuật. Điều 61 Luật khám bệnh, chữa bệnh quy định: “1. Mọi trường hợp phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa đều phải được sự đồng ý của người bệnh hoặc đại diện của người bệnh, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

 

2. Người bệnh thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 13 của Luật này, trước khi phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa phải được người đại diện của người bệnh đồng ý bằng văn bản.

 

3. Trường hợp không thể hỏi ý kiến của người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh và nếu không thực hiện phẫu thuật hoặc can thiệp ngoại khoa sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh thì người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định tiến hành phẫu thuật hoặc can thiệp ngoại khoa”.

 

Nội dung của giấy cam đoan này có nêu rõ việc sau khi nghe bác sĩ cho biết tình trạng bệnh của bệnh nhân, của người trong gia đình, những nguy hiểm của bệnh nếu không thực hiện phẫu thuật, thủ thuật, gây mê hồi sức và những rủi ro có thể xẩy ra do bệnh tật, do khi tiến hành phẫu thuật, thủ thuật, gây mê hồi sức, và họ tự nguyện viết giấy cam đoan đồng ý xin phẫu thuật, thủ thuật, gây mê hồi sức hoặc không đồng ý phẫu thuật, thủ thuật, gây mê hồi sức. Do đó, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ yêu cầu khách hàng ký giấy cam kết trước khi phẫu thuật là phù hợp với quy định của pháp luật.

 

Tuy nhiên, Điều 76 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định: 1. Trường hợp xảy ra sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh hoặc trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 73 của Luật này, doanh nghiệp bảo hiểm mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã mua bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo hợp đồng bảo hiểm đã ký với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.

Tờ giấy cam kết mà chị T. đã ký trước khi lên bàn mổ.

 

Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa mua bảo hiểm theo quy định tại khoản 1 Điều 78 của Luật này thì phải tự bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo quy định của pháp luật. 2. Ngoài việc bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh phải chịu các trách nhiệm pháp lý khác theo quy định của pháp luật.

 

Chị T. phản ánh ngực mình ngày càng chảy xệ sau khi được bác sỹ Phùng Mạnh Cường phẫu thuật.

 

3. Trường hợp xảy ra tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh nhưng được hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật khám bệnh, chữa bệnh xác định là đã thực hiện đúng các quy định chuyên môn kỹ thuật trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng vẫn xảy ra tai biến đối với người bệnh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề không phải bồi thường thiệt hại.

 

Như vậy, việc ký giấy cam đoan chấp nhận phẫu thuật, thủ thuật và gây mê hồi sức không phải là căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường. Khi xảy ra sự cố, khách hàng có quyền khởi kiện hoặc yêu cầu cơ sở dịch vụ thẩm mỹ bồi thường thiệt hại do tai biến xảy ra sau phẫu thuật. Tuy nhiên, cần phải đưa ra chứng cứ chứng minh hoặc căn cứ kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc những rủi ro xảy ra là do sai sót về chuyên môn kỹ thuật của cơ sở dịch vụ thẩm mỹ.

 

Sau phẫu thuật nếu khách hàng nhận thấy ngực mình hư thì có quyền dùng tài khoản cả nhân hoặc những tài khoản khác đăng tải lên mạng xã hội không, thưa Luật sư? 

 

Nội dung cam kết của khách hàng là “không nói xấu ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở dịch vụ thẩm mỹ” là do hai bên tự thỏa thuận, không vi phạm điều cấm của pháp luật, không vi phạm quy tắc đạo đức thì cơ sở dịch vụ thẩm mỹ yêu cầu khách hàng ký cam kết này là không sai. Có thể hiểu những trường hợp “nói xấu” này bao gồm các trường hợp bịa đặt, vu khống, lan truyền thông tin một chiều, không đúng sự thật, làm ảnh hưởng tới danh dự uy tín của cơ sở dịch vụ thẩm mỹ… Nếu khách hàng có hành vi này là khách hàng vi phạm cam kết.

Còn trong trường hợp khách hàng đưa ra được chứng cứ chứng minh hoặc căn cứ kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc những rủi ro xảy ra là do sai sót về chuyên môn kỹ thuật của cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, có lỗi của cơ sở dịch vụ thẩm mỹ dẫn đến việc phẫu thuật để lại di chứng, biến chứng cho khách hàng thì khách hàng có quyền nói lên sự thật, và trường hợp này không bị xem là vi phạm cam kết. ​

 Xin cảm ơn Luật sư!

Báo Sức khoẻ cộng đồng sẽ tiếp tục thông tin!