Khi bất an lấp đầy tâm trí, đừng “nghĩ dài”: Lo lắng sẽ càng thêm rối bời, hãy cứ tận hưởng cuộc sống theo cách riêng

Họ không có vẻ gì vội vàng hay sợ hết thời gian.

Đó là sự khác biệt duy nhất tôi tìm thấy giữa người sống ở đô thị như tôi, và người sống ở các nơi thiếu vắng nhịp độ dịch chuyển của thành phố.

Ở đô thị, thời gian thường hết nhanh như bay hơi. Tôi hẹn cà phê một bạn, ngồi với người ấy một lúc, khi nhìn đồng hồ đã cạn buổi sáng. Tôi ngồi trong văn phòng thực hiện bài viết gấp cho sáng hôm ấy. Tay ngừng gõ ngẩng lên, giờ ăn trưa đã qua bao giờ không biết.

Hồi ở Chile, trong rừng quốc gia, tôi làm sạch con cá, nấu xong bữa trưa. Ăn xong và đi chạy một vòng. Trở về, tôi viết nốt bài còn dở. Làm xong hết tất cả, thời gian chưa qua 4 giờ chiều.

Ở làng chài này cũng vậy. Mỗi sáng thức dậy, tôi lướt sóng cho đến khi mệt (chừng 2 giờ), trở về tắm rửa, làm việc, ăn trưa xong vẫn chưa đến 1 giờ chiều.

Thời gian không khác đi. Nó giống nhau trên cùng một chiếc đồng hồ tôi mang theo trên mỗi hành trình. Nó chỉ khác đi vì sự thúc đẩy, vội vã, sự chen lấn và ngạt thở mà tôi len vào giữa hàng ngũ vô số con người khác đang chạy đua về cùng một điểm.

Sự bất an nảy sinh từ đó.

Những câu hỏi bất an thường xoay quanh như vầy: Ta có đủ an toàn tài chính cho 1 năm, 5 năm, 10 năm nữa không? Ta có thể lo được cho con cái khi tương lai đến không? Ta phải làm gì nếu một mai thức giấc phải vào bệnh viện vì cơn bệnh hiểm nghèo? Ta ứng xử ra sao nếu cuộc đời lật ngược mọi đoán định nếu một biến cố xảy đến sau một lần chớp mắt?

Khi bất an lấp đầy tâm trí, đừng nghĩ dài: Lo lắng sẽ càng thêm rối bời, hãy cứ tận hưởng cuộc sống theo cách riêng - Ảnh 1.

Có lần, đi từ Santiago de Chile xuống miền Nam, tôi thấy một tấm bảng quảng cáo viết “Tương lai con cái trong tầm tay bạn” – đó là tấm bảng quảng cáo một trường đại học đắt tiền theo chuẩn Mỹ cho những gia đình muốn con cái hưởng thụ nền giáo dục như Mỹ mà họ mơ tới. Bạn tôi nhìn theo và nói: “Họ tưởng có thể nắm chắc tương lai nếu con họ học trong một trường đại học Mỹ. Họ có biết bao nhiêu thanh niên Mỹ không thể tìm nổi việc làm với món nợ đại học trong khủng hoảng 2008 không?” – Đó chỉ là một ví dụ thô sơ về cách ta tưởng tượng về tương lai, cách tương lai được chào bán dựa trên nỗi bất an, và phần biến số ta không hề biết đang được che đậy bằng cái vỏ hào nhoáng nào đó.

Trở lại làng chài ở West Java, người chủ nhà tôi ở kể: Anh muốn xây thêm hai homestay nữa, vì anh muốn con gái anh có tiền để đi học trường Y. Anh muốn con anh rời khỏi làng chài và trở thành bác sĩ ở Jakarta. Anh sẵn sàng làm tất cả công việc cực khổ vì tương lai đó của con.

Câu chuyện của anh giống hầu hết mọi câu chuyện ở đô thị mà tôi chứng kiến và sống trong đó 30 năm qua. Ta chuẩn bị mọi thứ kỹ càng như con chim làm tổ. Ta áng chừng cơn bão. Ta lo lắng gió về. Ta cần mái nhà yên ổn. Ta muốn con cái sẽ có tương lai chắc chắn nhất có thể. Ta hành động và tịnh tiến về phía trước bằng nỗi bất an luôn chực chờ trong đáy mắt khi giấc ngủ muộn ập về.

Có thể anh không biết Jakarta đang trở thành một trong những đô thị chìm xuống vì biến đổi khí hậu nhanh nhất thế giới. Có lẽ anh không tưởng tượng được người Jakarta mỗi ngày vật lộn hai giờ đồng hồ trên xe hơi để đến sở làm cách nhà chừng 6km, trong bầu không khí đặc quánh khói thải và khí ô nhiễm.

Có lẽ anh không biết gia đình anh đang sống ở một trong những vùng biển trong lành nhất ở Indonesia, trong lành hơn cả Bali đầy ứ du khách, trong lành hơn cả Koh Samui nổi tiếng ở Thái Lan xa xôi, trong lành hơn hầu hết những bãi biển nổi tiếng ở Việt Nam của tôi. Anh cũng có thể không biết tương lai rất chắc chắn mà anh đang lo lắng từng ngày kia có thể trở nên cực kỳ rúng động nếu Jakarta không thể sinh tồn giữa nước thải, khói độc và quá tải dân cư.

Có lẽ anh chưa bao giờ nghe câu chuyện của người bạn tôi, buổi chiều hôm đó họ bay tới Lombok chuẩn bị cho mùa hè tuyệt đẹp. Tối hôm ấy, cả hòn đảo rúng động trong trận động đất. Họ kịp bay chuyến cứu hộ trở về. Và chỉ vài ngày hôm sau, cả hòn đảo hóa thành gạch vụn sau một chuỗi động đất và núi lửa phun kinh hoàng. Đó là tương lai trong quãng vài ngày – chừng 72 giờ – và không ai biết nó sẽ hóa thành thảm họa ra sao.

Khi bất an lấp đầy tâm trí, đừng nghĩ dài: Lo lắng sẽ càng thêm rối bời, hãy cứ tận hưởng cuộc sống theo cách riêng - Ảnh 2.

Có lẽ tất cả chúng ta đều không thể nắm được tương lai sẽ ra sao – như tấm biển quảng cáo đại học ở Chile đập vào mắt tôi. Người Chile vẫn là một trong những quốc gia vất vả ở Nam Mỹ, xoay sở với cơn lốc tăng giá hàng hóa kinh hoàng để chạy kịp với nền kinh tế Mỹ – trong khi cả quốc gia gần như không sản xuất gì ngoài khai mỏ và chăn nuôi.

Tôi đã dành rất nhiều thời gian để lấp đầy vật dụng vào “chiếc tổ an toàn” trấn an bản thân mình trong nhiều năm. Khi nhìn lại, không có điều gì xảy ra như ý tưởng về sự “an toàn” đảm bảo. Những điều chắc chắn nhất đã hóa thành tro bụi. Việc tình cờ và đơn giản nhất lại trở thành động lực cho một chặng đường dài hơn. Thứ mà tôi tưởng sẽ lợi lộc nhiều nhất chẳng đem lại gì. Việc linh tinh tôi làm giúp người bạn khi rảnh đã trở thành thứ có ích cho cả hai chúng tôi trong suốt thời gian dài.

Tương lai không hiện hữu vì ta vật chất hóa bất an thành một kho hàng hay tòa thành bảo vệ mình. Thời gian – trong vòng quay và chọn lựa của riêng nó – sẽ nghiền nát con người hay để họ thư thả bên bờ biển cho tôi gặp gỡ.

Tôi bắt đầu hiểu rằng tương lai duy nhất mình có thể trấn an bản thân là: 10 phút nữa, tôi sẽ ổn. 10 phút nữa, tôi sẽ ăn sáng cùng bạn tôi, chúng tôi sẽ trò chuyện. 10 phút nữa, tôi sẽ làm việc, công việc sẽ xong trong buổi sáng. Tương lai tôi chọn lựa nằm ở 10 phút nữa – nơi tôi hoàn toàn yên tâm mình sẽ hành động vì điều mình mong muốn nhất. Tôi không muốn sở hữu bức tranh hoàn mỹ của tương lai nữa – khi biết dù mình có vẽ bao nhiêu lần thì cũng phải xé bỏ trong khoảnh khắc biến động bất ngờ nào đó.

Dù là gì chăng nữa, thời gian ở bên mình. Sự bất an không tan đi. Và chúng ta hoàn toàn được quyền chọn lựa: Sống khắc khoải đến vỡ vụn hay chậm rãi thấy đời mỗi ngày thật đẹp và đáng sống.

Hoàn toàn do bản thân ta.


Khải Đơn

Theo Trí Thức Trẻ