Phong cách Hàn ảnh hưởng lớn đến thị trường mỹ phẩm Việt

Bình quân cứ 4 người có 1 người làm đẹp bằng chu trình hơn 4 bước theo phong cách Hàn Quốc, theo nghiên cứu của Kantar Worldpanel.

Ngành hàng chăm sóc sắc đẹp ở Việt Nam tăng trưởng bình quân khoảng 7% nhờ đóng góp của hai phân khúc chính là trang điểm và chăm sóc da, cao hơn mức tăng của thị trường FMCG (hàng tiêu dùng nhanh).

Tốc độ tăng trưởng được dự báo cao hơn trong thời gian qua do người dân thành thị chi tiêu mạnh hơn để phục vụ bản thân, sau khi đáp ứng những nhu cầu thiết yếu. Ngoài ra, khoảng 40% hộ gia đình, nhất là ở khu vực nông thôn, chưa từng mua sản phẩm làm đẹp nên ngành hàng này còn nhiều dư địa phát triển.

Hàn Quốc nhiều năm liên tiếp đứng đầu về nhập khẩu mỹ phẩm vào Việt Nam, trong đó, năm 2018 chiếm đến 30% tổng giá trị. Phong cách làm đẹp từ quốc gia này không chỉ ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn thương hiệu mà còn cả thói quen chăm sóc da và danh mục sản phẩm.

Ví dụ, thương hiệu mặt nạ làm đẹp từ Hàn Quốc chiếm phân nửa trong danh sách 20 thương hiệu được mua nhiều nhất tại các thành phố lớn. Hoặc bình quân cứ 4 người tiêu dùng, có 1 người làm đẹp bằng chu trình hơn 4 bước theo phong cách Hàn Quốc.

Nhu cầu chăm sóc da của người tiêu dùng đã vượt xa chức năng cơ bản là làm trắng và trị mụn. Khái niệm “làm sạch chuyên sâu” hoặc “cấp nước cho da” không còn mới lạ, điều này thể hiện qua việc giá trị các sản phẩm tẩy trang, serum (nước tinh chất), mặt nạ thiên nhiên… từ Hàn Quốc tăng trưởng hai chữ số so với cùng kỳ.

Thị phần giá trị theo kênh mua sắmĐơn vị: %Tạp hoáChợ truyền thốngCửa hàng mẹ và béKênh hiện đại kháiSiêu thịCửa hàng tiện lợiCửa hàng sức khoẻOnlineKhácSản phẩm làm đẹpHàng tiêu dùng nhanh (FMCG)0100255075125

Các chuỗi nhà thuốc và cửa hàng mỹ phẩm dẫn đầu thị phần theo kênh mua sắm với 21%. Kênh này giành thêm khoảng 3% thị phần trong vòng hai năm nhờ sự xuất hiện của nhiều chuỗi bán lẻ mới như Pharmacity, Watsons, Hello Beauty…

Kênh trực tuyến xếp thứ hai về thị phần với 19%, nhưng lại có tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhất. Theo nghiên cứu của Kantar Worldpanel, 80% giá trị tăng trưởng của các sản phẩm làm đẹp đến từ kênh mua sắm trực tuyến. Phần lớn giá trị tăng thêm ở kênh này đến từ những người dùng mới hoặc người dùng hiện tại mua nhiều hơn chứ không phải lấy từ kênh khác.