Tạp chí sắc đẹp-5 lần vợ sảy thai, thay vì lấy vợ mới để có con nối dõi, vua Baudouin chung thủy với vợ mình – hoàng hậu Fabiola.
Baudouin (sinh năm 1930) là con trai cả của vua Bỉ Leopold III và công chúa Astrid của Thụy Điển. Năm lên 5 tuổi, mẹ ông đột ngột qua đời sau một tai nạn xe hơi, sau đó ông cùng em trai Albert đã phải phiêu bạt nhiều năm ở nước ngoài khi Đức xâm chiếm Bỉ. Năm 1951, ở tuổi 21, Baudouin đã được phong làm vua thứ 5 của Bỉ sau khi cha ông tuyên bố không đủ năng lực để cai trị đất nước.
Lên ngôi, Baudouin bị sức ép khá nặng nề là phải có con trai để nối dõi. Tuy nhiên, mãi đến năm 30 tuổi, Baudouin mới có mong muốn lập gia đình và nói nguyện vọng này của mình tới nữ tu sĩ có tên Veronica O’Brien bởi ông là một người sùng đạo. Sau đó nữ tu sĩ này đi nhiều nơi để tìm vợ cho vua với điều kiện: Người đó phải tin vào Công giáo.
Đầu năm 1960, vua Baudouin có chuyến công du Tây Ban Nha, tại đây ông đã gặp cô gái 32 tuổi Fabiola de Mora y Aragon trong bữa tiệc hoàng gia nước này chào đón ông. Khi đó, Fabiola đang là y tá chăm sóc trẻ nhỏ tại một bệnh viện tại Tây Ban Nha và làm việc từ thiện tại một nhà thờ ở Madrid.
Vua Baudouin bên vợ Fabiola. Ảnh: brussels-express.eu |
Fabiola sinh ra ở thành phố Madrid vào ngày 11/6/1928, trong gia đình quý tộc. Trước 30 tuổi, cô từng cho ra đời tuyển tập thơ và những câu chuyện cổ tích nổi tiếng ở quê nhà. Ngoài tiếng Tây Ban Nha, Fabiola còn thông thạo tiếng Pháp, Hà Lan, Anh, Đức và Italy.
Vì có dòng dõi quý tộc nên trong buổi tiệc có sự xuất hiện của nhà vua Baudouin, Fabiola đã cùng đến dự với công chúa Tây Ban Nha. Tại bữa tiệc, thay vì để ý đến công chúa cành vàng lá ngọc, vua Baudouin lập tức bị thu hút bởi Fabiola với dáng người cao, thanh mảnh nhưng lại tràn đầy sức sống và rất thông minh.
Ngay lập tức vua Baudouin nhờ nữ tu sĩ Veronica O’Brien tìm hiểu về thân thế cô gái này. Sau đó Veronica O’Brien đã mời Fabiola đến thăm bà ở Bỉ và thúc giục cô đồng ý kết hôn với Baudouin. “Lúc đó tôi đã rất tức giận bởi hôn nhân đâu thể bị người khác điều khiển như vậy. Thế nhưng không hiểu sao tôi lại quyết định đến Brussels để tìm hiểu về Baudouin”, Fabiola kể lại thời điểm quen biết của hai người.
Chuyến đi đến Bỉ của Fabiola đã khiến cuộc đời của bà sang một trang mới. Chính vẻ điển trai, nói chuyện cuốn hút của vị vua trẻ tuổi đã khiến Fabiola đổ gục. Từ đó, cả hai trở nên thân thiết hơn.
Vào ngày 15/12/1960, Baudouin và Fabiola chính thức kết hôn. Nhiều năm sau khi thành vợ chồng, trong nhật ký của mình, vua Baudouin viết: “Ơn Chúa đã mang người vợ tuyệt vời Fabiola đến cho con, nàng giống như thiên thần”.
Thời điểm đó, nhiều người Bỉ đã gọi Fabiola bằng cái tên “Cô bé Lọ Lem” nhằm so sánh cuộc đời bà giống với nhân vật trong chuyện cổ tích.
Hoàng hậu Fabiola. Ảnh: brussels-express.eu |
Kể từ đó, người dân Bỉ và thế giới luôn thấy hình ảnh tay trong tay của vua Baudouin và hoàng hậu Fabiola. Trong tất cả buổi lễ lớn, vua Baudouin đều cầm tay vợ mình một cách trân quý và âu yếm nhất. Khi tiếp các nguyên thủ quốc gia, thỉnh thoảng ông lại quay sang vợ cười, đôi mắt ánh lên sự ấm áp và dịu dàng.
Tình cảm mà nhà vua và hoàng hậu dành cho nhau khiến người dân Bỉ hết sức ngưỡng mộ. Trong nhiều cuộc phỏng vấn, phóng viên các báo đài đã đặt câu hỏi: “Vua và hoàng hậu yêu nhau như thế nào?”, những lúc như vậy vua Baudouin đều quay sang vợ trìu mến rồi mỉm cười: “Chuyện này chắc chỉ con cái chúng tôi mới biết được”.
Thế nhưng câu chuyện đó vẫn chưa bao giờ được tiết lộ bởi họ không có con.
Sau khi kết hôn, hoàng hậu Fabiola liên tiếp sảy thai 3 lần. Sau nhiều lần kiểm tra sức khỏe, các bác sĩ kết luận nếu bà sinh con, cơ hội sống chỉ còn lại 5%. Bất chấp lời cảnh báo, Fabiola tiếp tục mang thai thêm 2 lần nữa, nhưng cứ qua được tháng thứ 3, cơ thể bà lại đào thải. Năm 2008, khi nói về chuyện này, hoàng hậu thổ lộ: “Bạn biết đấy, tôi đã từng mất đi những 5 đứa con. Qua những lần trải nghiệm, bạn sẽ học được rất nhiều thứ. Tôi không thể mang thai, nhưng tôi nghĩ cuộc sống này vẫn rất tươi đẹp”.
Mỗi lần vợ sảy thai, vua Baudouin đều vô cùng đau khổ. Từ đó ông hiểu rằng để sinh được một đứa trẻ khó khăn và đáng quý như thế nào. Chính vì thế sau này ông đã từ chối ký vào dự luật cho phép phá thai ở Bỉ.
Sau lần sảy thai thứ 5, Baudouin không cho phép vợ đánh đổi cuộc sống của mình chỉ vì đứa con được nữa. Ngay cả khi không có người nối dõi, ông cũng khẳng định với hoàng gia: “Các ngài cũng biết chúng tôi không có con, điều đó có nghĩa là trong trái tim chúng tôi có nhiều khoảng trống để chứa đựng tình yêu thương nhiều hơn cho người khác. Hãy để chúng tôi yêu thương tất cả mọi người và trẻ em”.
Đối với vợ, Baudouin từng nói rằng: “Đừng quan tâm tới việc em không thể sinh con. Vợ chồng chúng mình có thể biến tình yêu nhỏ thành tình yêu lớn dành cho những trẻ em khác”. Đây chính là lý do sau này họ đã thành lập một bệnh viện cho trẻ em và một trung tâm dành cho các trẻ em mắc bệnh tâm thần.
Để trấn an tâm lý của vợ và cả hoàng gia, năm Baudouin 40 tuổi, ông đã quyết định sẽ nhường ngôi cho em trai mình – hoàng tử Albert – khi ông qua đời.
Vua Baudouin năm 21 tuổi. |
Từ khi trút bỏ gánh nặng về người nối dõi, vua Baudouin và hoàng hậu Fabiola thường xuyên đứng ra tổ chức các hoạt động chống tệ nạn mại dâm và đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ ở các nước đang phát triển. Đi đâu họ cũng có nhau, cùng ăn, cùng đọc sách hay săn bắn và trượt tuyết. “Lúc nào họ cũng quấn quýt bên nhau, bịn rịn không rời”, một cận thần của vua cho biết.
Năm 1993, vua Baudouin đột ngột qua đời sau một cơn đau tim. Trong đám tang của chồng, thay vì mặc váy đen, hoàng hậu Fabiola đã mặc chiếc váy trắng mà lúc sinh thời vua Baudouin rất thích và nói lời từ biệt với chồng: “33 năm bên nhau giờ chúng ta tạm xa nhau nhé. Em yêu anh!”.
Sau khi chồng mất, Hoàng hậu Fabiola đã rời khỏi cung điện hoàng gia để đến sống tại lâu đài Stuyvenbergh và hạn chế xuất hiện trước công chúng. Tuy nhiên bà vẫn tiếp tục thực hiện những sứ mệnh dang dở của chồng với cộng đồng. Từ những đóng góp này, năm 2001, bà được nhận Huy chương Ceres do Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc trao tặng vì những đóng góp to lớn nhằm cải thiện đời sống của phụ nữ nông thôn ở các nước đang phát triển.
Ngày 12/5/2014, bà qua đời ở tuổi 86. Tên của bà được các thợ làm bánh Tây Ban Nha đặt cho một loại bánh mì ra đời cách đây hàng chục năm và hiện vẫn bán ở nước này.
Trước đó, nhà thám hiểm Guido Derom đã đặt tên cho một ngọn núi được phát hiện ở Nam Cực là “Núi Hoàng hậu Fabiola” vào năm 1961