Với niềm đam mê ẩm thực từ thời niên thiếu cùng những nỗ lực hết mình, giờ đây khi nhắc đến Trịnh Diễm Vy, người ta thường nhắn đến chị với một danh xưng: "Nữ hoàng" văn hóa ẩm thực phố cổ. Đảm nhiệm vai trò giám khảo Top Chef Việt Nam 2019, mong muốn của chị là hỗ trợ kiến thức về văn hóa ẩm thực của dân tộc cho thế hệ đầu bếp nối tiếp.
Câu chuyện mà chị Vy đem đến cho Tạp chí Sắc đẹp không chỉ đơn thuần là làm thế nào để thành công trong lĩnh vực ẩm thực hay là cách nấu ăn hoàn hảo nhất mà còn là câu chuyện văn hóa thiêng liêng chứa đựng trong mỗi nguyên liệu, mỗi món ăn. Đó là điều mà chị luôn muốn giữ gìn và lan tỏa.
Ẩm thực là một bộ môn nghệ thuật
Tự bao đời nay, Việt Nam là cái nôi của nền văn minh lúa nước và hạt gạo từ những cánh đồng lúa nước đó đã đi cùng dân tộc qua những thăng trầm lịch sử. Ẩm thực vì lẽ đó có nhiều ảnh hưởng. “Gạo là nguyên liệu chính và ăn bằng đũa”. Trong bữa ăn, mọi người chia sẻ các món ăn với nhau, ngồi quây quần theo một vòng tròn, khác với văn hoá phương Tây, mỗi người dùng một đĩa riêng.
Ẩm thực Việt Nam còn đạt đến “sự cân bằng âm dương, tâm thân, hài hoà giữa khí vị và gia vị” đây cũng là điểm mà chị Diễm Vy tự hào khoe cùng thế giới. Người Việt luôn tựa vào, gần gũi với thiên nhiên. Mùa nào thức nấy, tận dụng cả nguyên liệu quanh nhà, sau vườn. Đó cũng là yếu tạo tạo nên sự tinh tế trong nếp ăn của người Việt.
Cái duyên với ẩm thực của chị Diễm Vy khởi nguồn từ gia đình. Sống trong gia đình 5 chị em, 3 đời kinh doanh ẩm thực. Nhà có quán ăn lúc nào cũng đắt khách, chị đã bắt đầu làm bếp từ lúc 7, 8 tuổi. Đối với chị, chị luôn xem việc biết nấu ăn là cần thiết với một người phụ nữ.
“Tôi nghĩ phụ nữ thời đại nào không biết nấu ăn cũng là thiếu sót, phụ nữ quan tâm sắc đẹp nhưng phải có sức khoẻ thì mới đẹp được. Vì vậy miếng ăn vô cùng quan trọng. Khi mình biết nấu ăn thì mình sẽ biết cách chăm sóc bản thân mình”.
Gia đình Trịnh Diễm Vy có truyền thống kinh doanh ẩm thực.
Cũng như “người thành công phải có sức khoẻ, sắc đẹp, trực giác tốt, cảm nhận phải nhiều”, thì qua việc nấu nướng tạo cơ hội cho mình tiếp cận những giá trị và tạo dựng được những khả năng đó.
“Khi mình bỏ sức lao động làm ra việc gì đó thì sự hưởng thụ của mình sẽ cao hơn. Như người nông dân làm vườn mệt khi về họ ăn thì sẽ ngon hơn. Đó là vấn đề chuyển hoá, muốn ăn khoẻ thì phải chuyển hoá tốt”.
Tiếp cận ẩm thực từ nhỏ, lớn lên tại trung tâm sự kiện và giao lưu văn hóa quốc tế của cả nước, cùng với tư duy nhanh nhạy trong kinh doanh, chị Diễm Vy giờ là thành viên uy tín của Hiệp hội Đầu bếp thế giới (World Association of Chefs Societies) và điều hành một chuỗi hệ thống các nhà hàng – khách sạn tại Hội An, thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Trên con đường thành công ấy, không thể thiếu sự nỗ lực và đam mê.
“Bất cứ ngành nghề nào muốn đạt được mục tiêu cao nhất thì đều phải hi sinh chứ không riêng ẩm thực. Phải mất cả đời để đam mê, học hỏi, tìm tòi và sống với nghề”.
Trịnh Diễm Vy đạt được nhiều thành tựu trên con đường ẩm thực…
Ẩm thực là một bộ môn nghệ thuật áp lực, giống như họa sĩ “có thể sáng tác bất cứ khi nào có cảm xúc và thời gian”. Mỗi món ăn ngon phải đặt được sự hài hòa hương vị và hình thức.
“Khi ăn không chỉ có miệng ăn mà đến các bộ phận khác trong cơ thể đều hoạt động. Ngũ giác và cả cơ thể đều vận hành để ghi nhận món ăn, không chỉ riêng hệ tiêu hoá. Cơ thể tiết ra hormon, enzim chuyển hoá. Và đương nhiên trình bày đẹp là điều không thể thiếu trong món ăn”.
Và để thành công không thể thiếu nỗ lực và đam mê.
Chắc chắn một điều rằng: “Nấu ăn là một nghệ thuật và đầu bếp là một nghệ sỹ”, bởi phải vận dụng mọi giác quan.
Với phụ nữ, theo đuổi thành công trên con đường ẩm thực càng vấp phải nhiều gian nan và thử thách. Cho dù khéo tay đến mấy thì phụ nữ dẫu sao cũng vẫn là phái yếu.
Nhưng ngày nay công nghệ và y học phát triển đã giúp đỡ cho phụ nữ rất nhiều mặt, họ có thể dễ dàng tiếp cận kho kiến thức vô tận “có thể giúp cho họ hiểu ra những yếu điểm của bản thân và vượt lên chính mình”.
Top Chef Việt Nam 2019 là đấu trường đào tạo nên một thế hệ mới vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm hiểu văn hóa dân tộc
Đối với thực khách nước ngoài, món ăn Việt họ biết đến nhiều nhất có lẽ chỉ gói gọn ở: bánh mì, bún và phở, nhưng họ không biết rằng kho ẩm thực dân tộc Việt Nam lại rất đa dạng và phong phú. Chị Diễm Vy thể hiện rất rõ quan điểm của bản thân trong hành trình mang ẩm thực Việt ra thế giới. “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Trước khi “đánh”, mình cần phân tích đối thủ. Sở dĩ người nước ngoài biết đến và yêu quí ba món kể trên là do “ba món ấy có nguồn gốc từ phương Tây, họ sẽ tìm thấy sự quen thuộc và dễ để thuyết phục, họ cảm thấy dễ cảm nhận và dễ chấp nhận”.
Nhưng ẩm thực Việt không dừng lại ở đó, “nó là một phần lớn quan trọng của văn hóa phương Đông”. Dĩ nhiên, có phần trái ngược với phương Tây, “một bên dựa vào thiên nhiên cây cỏ, một bên dựa vào săn bắn lấy thịt. Vì khác nhau nên khó thích nghi”.
“Văn hoá ẩm thực của mình là cả kho tàng, điều mình cần biết là dung hoà giữa mình và họ để tìm được điểm chung” – giám khảo Diễm Vy phân tích thêm.
Đến với Top Chef Việt Nam 2019, nữ doanh nhân xem trọng sự ảnh hưởng, chia sẻ đến từ Ban giám khảo. Bởi lẽ, họ là người định hướng thí sinh, mang văn hóa Việt đến gần thí sinh.
Giám khảo là “cầu nối tạo ra cầu nối nền tảng cho thế hệ sau, để am hiểu vững chắc văn hoá ẩm thực Việt”. Biết ưu điểm của mình là gì và khai thác như thế nào thì mới thành công được.
Trịnh Diễm Vy là một trong những giám khảo của Top Chef Việt Nam 2019.
Bản thân Top Chef Việt Nam cũng là một nơi học tập, một đấu trường “tạo ra một thế hệ vững chắc hơn, hiểu được cái mình có và tạo ra những giá trị mới phù hợp với văn hoá hiện tại”. Giá trị của Top Chef Việt Nam còn nằm ở chỗ là nguồn kiến thức vững chắc, giúp cho đầu bếp trẻ hiểu hơn về cốt lõi văn hoá truyền thống.
Với cương vị là giám khảo, người đi trước, người đã tạo ra giá trị và gặt hái rất nhiều thành công, chị Trịnh Diễm Vy – đồng thời chia sẻ lời khuyên cho những người trẻ Việt đam mê và khát khao theo đuổi nghề đầu bếp. Ngoài đem cả đam mê dung hòa vào đời sống thì mình cần phải vượt qua áp lực về thời gian.
Top Chef Việt Nam 2019 là nơi chị đồng hành cùng thí sinh tìm hiểu về văn hóa ẩm thực Việt Nam.
“Nếu đã xác định đây là đam mê của mình thì mình phải sống với nó, không ngừng học hỏi để nghiên cứu, tìm hiểu để cập nhật thông tin trên thế giới. Luôn cho mình là một đầu bếp mầm, chồi, lá để ý thức học hỏi mỗi ngày. Vì ngành này rất phong phú, đa dạng, “học, học nữa, học mãi” không bao giờ hết học” và suy cho cùng mỗi nền văn hóa vùng miền luôn sở hữu những nét đặc sắc cần trau dồi.
Đồng thời phải nuôi dưỡng tâm thân, hiểu công việc và biết được công việc của mình đem lại giá trị hữu ích như thế nào cho người ăn. Công việc của mình là đem niềm vui cho người khác, cái giá trị lớn nhất người đầu bếp nhận được là người ăn có cảm xúc mạnh dành cho món ăn mình làm ra. “Đó là một hạnh phúc vô biên, không thể đếm được”.
“Tôi thích quan sát khách hàng của mình khi đưa thức ăn vào miệng, lúc đó khách vui làm mình cũng vui lây và cảm thấy được truyền năng lượng. Mỗi bước chân đi là một bài học. Mình sẽ tìm ra bản thân mình trong suốt quá trình tìm hiểu công việc này. Điều mình sẽ làm được cho bản thân và cho người xung quanh”.
Lần đầu tiên làm giám khảo ở một chương trình Việt Nam, đối với Top 14 thí sinh, chị Diễm Vy đánh giá cao mặt kĩ năng. Thế nhưng họ “chưa có đủ nền tảng về ẩm thực Việt”, một vài ý tưởng chưa thật sự hợp lý. Đây là cơ sở để chị Diễm Vy đồng hành cùng thí sinh trên hành trình tìm hiểu “kiến thức văn hoá ẩm thực Việt Nam”.