Chuyện của rất nhiều phụ nữ thế kỷ 21: Muốn sống đời tự do nhưng còn phải lo cho bố mẹ

Chúng ta vẫn nghĩ áp lực gia đình chỉ ập lên đầu các chàng trai nhưng hóa ra, phụ nữ cũng phải đỡ lấy nhiều áp lực chẳng kém. Cuộc đời của những cô gái muốn sống đời tự do nhưng lại nặng gánh với bao nỗi lo gia đình không phải điều hiếm gặp trong thời đại này.

tit1 mb

9 giờ tối mà Linh mới về đến nhà. Bố mẹ cô giờ này cũng đã lên giường ngủ, còn thằng em nằm trong phòng cả tối không hé ra ngoài. Quay đi quay lại ở văn phòng, giải quyết hết công việc thì cũng đã tối muộn, về được tới nhà tầm này cũng sớm. Linh nhìn lại tờ lịch khoanh đỏ những ngày nghỉ, “chỉ một tháng nữa thôi là được đi Ấn Độ”, cô nghĩ. Nhiều lúc chán chường với công việc và cuộc sống, cô muốn tìm đến một cuộc đời giản đơn hơn, nhẹ nhàng hơn, khi tiền kiếm chỉ còn để đi du lịch, tận hưởng cuộc sống. Sự tự do ấy nghe sao mới cám dỗ làm sao.

Nhưng tháng này còn tiền điện phải trả, còn tiền gửi cho bố mẹ hàng tháng, thỉnh thoảng phải lo cho đứa em đóng học, gần đến cuối năm rồi còn sửa cái này cái kia. Mẹ Linh cũng cằn nhằn: “Con gái đến tuổi này, lấy chồng đi rồi còn phải lo cho cuộc sống sau này chứ?” – cuộc sống sau này ở đây là gia đình hai bên và gia đình nhỏ của mình, chứ Linh biết nó đâu phải của mình? Đấy là sống đời người khác chứ không phải sống đời mình!

Và Linh không cô đơn trong vô vàn câu chuyện tương tự như vậy. Nói về phụ nữ hiện đại, nhiều người nghĩ họ phải như này như kia, về những thứ mơ mộng đầy phấn chấn, cuộc đời lý tưởng với nhiều điều hạnh phúc. Nhưng thực tế phũ phàng hơn nhiều, bởi trước khi họ được tự do sống ước mơ đời mình, có cả tá áp lực đang chờ họ giải quyết.

Khi câu chuyện về xã hội nam nữ bình đẳng được nói đến càng nhiều cũng là lúc người ta nhìn thấy kỳ vọng vào phụ nữ lớn hơn rất nhiều so với ngày xưa. Nếu đặt lên bàn cân so với nam giới, gánh nặng của phụ nữ thế kỷ 21 có khi còn nặng hơn bởi ngoài những định kiến công dung ngôn hạnh, đảm đang, rất nhiều cô gái còn phải cõng theo kỳ vọng ổn định kinh tế để lo cho gia đình và nếu có thể làm nở mày nở mặt cho gia đình thì càng tốt.

quote 2

Tôi biết không ít câu chuyện về những cô gái quanh mình, sau những năm được bố mẹ đầu tư cho ăn học là một guồng quay lao vào kiếm tiền để hàng tháng chu cấp cho bố mẹ, phụ cấp nuôi em hay gom góp để sửa nhà, sắm đồ dùng cho gia đình. Anh Thư, 27 tuổi là một trường hợp như thế.

Mỗi tháng cứ đều đều nhận lương là cô nàng rút quá nửa tiền về đưa cho mẹ, ngoài ra cô còn chịu trách nhiệm chi trả điện, nước, một số khoản chi tiêu khác trong nhà. Thành ra, đi làm mãi mà Thư gần như chẳng dành dụm được mấy. “Giờ bố mẹ không có lương thì mình cũng phải ráng thôi, nhiều khi nghĩ nếu kết hôn, phải dành tiền chăm con, mình hoang mang vô cùng”. 

quote 2 copy 4

Chuyện của Anh Thư không hề hiếm gặp, thậm chí còn rất phổ biến. Gánh nặng tài chính như một tiêu chuẩn kép đối với phụ nữ. Nếu như nam giới bỏ tiền đi nhậu nhẹt, ăn uống tưng bừng thì đôi khi được tặc lưỡi bỏ qua “nam giới mà, cũng phải đi ngoại giao chứ”, thì phụ nữ khi chi ra số tiền như vậy sẽ bị đánh giá là không biết vun vén cho gia đình. Thành ra như vậy, gánh nặng trên đôi vai của họ như đè nén cả tuổi thanh xuân, dần thành suy nghĩ theo họ suốt cuộc đời.

Thậm chí nếu so với nam giới, gánh nặng của phụ nữ thế kỷ 21 có khi còn nặng hơn, khi ngoài chăm lo cho gia đình, nhiều phụ nữ hiện đại còn gánh thêm trách nhiệm trở thành tấm gương cho cả dòng họ.

Càng tài giỏi, học thức bao nhiêu, niềm kỳ vọng của gia đình dòng họ lại càng lớn hơn bấy nhiêu. Bạn trở thành một “tấm gương” để anh chị em trong gia đình nhìn vào, để bố mẹ tự hào với hàng xóm, là câu chuyện tâm điểm cho mỗi cuộc họp hành và biết đâu lại thành chỗ nhờ vả sau này khi anh chị em họ cần đến. Phụ nữ tài giỏi vẫn được gán với những điều “đặc biệt”. Có lẽ vì thế, áp lực đổ lên vai những người phụ nữ như vậy càng nhiều.

quote 1

Những niềm kỳ vọng vô hình và hữu hình ấy đôi khi bóp nghẹt giấc mơ và đẩy cuộc sống của nhiều người vào sự lo lắng và mệt mỏi. Có nhiều người quen sống theo một khuôn phép áp đặt từ gia đình và ở đó không có chỗ cho những sự lệch chuẩn. Bản thân những người phụ nữ đã bị “ép” trong nhiều phép tắc, giờ đây chất thêm kỳ vọng từ gia đình, cuộc sống của họ trở nên chật chội và tù túng. Đôi khi muốn tự do nhưng lại lo cho gia đình và áp lực từ những người xung quanh.

tit2 mb
quote 2 copy 3

“Mày chỉ biết sống cho mình mày thôi, con với cái ích kỷ. Lớn rồi phải biết nghĩ cho bố mẹ và cho con cái, gia đình mình sau này chứ?”.

Đã không biết bao nhiêu lần, Linh phải nghe bố mẹ cằn nhằn như vậy sau những cuộc tranh cãi về những chuyến du lịch xa nhà. Cô chẳng có ước mơ gì trong cuộc đời ngoài việc đi du lịch. Nhưng không phải cứ muốn đơn giản là được. Cô biết rằng gia đình vẫn luôn là một phần quan trọng của cuộc sống nhưng đôi khi, Linh chỉ muốn dành thời gian cho bản thân.

Phụ nữ thế kỷ này luôn được kỳ vọng trở thành một hình mẫu “người mẹ tháo vát, người vợ hoàn hảo, một người có sự nghiệp thành đạt”, ít nhất cũng là hai điều đầu tiên. Linh không nằm ngoài số đó trong kỳ vọng của bố mẹ. Nhưng với Linh, những chuyến đi không phải là thứ phù phiếm và vô bổ, nó là nguồn năng lượng, như dầu thắp đèn cho những chuỗi ngày văn phòng mệt nhoài vì deadline.

Ổn định hẳn là một thứ an toàn và cần thiết. Linh biết rõ, nhưng hiện tại, ngay lúc này, cô còn muốn khám phá thế giới, muốn hiểu thêm về chính mình – điều cô đã bỏ lỡ sau 25 năm chỉ ăn, học, làm việc rất chăm ngoan đúng như bố mẹ mong muốn. Mãi đến gần đây, trong những chuyến đi của mình, Linh mới biết mình thực ra thích trở thành barista với đủ các đồ uống sáng tạo.

Linh chỉ có một mộng ước cuộc đời đơn giản. “Nhưng bố mẹ sẽ thế nào nếu cô cử nhân kinh tế loại giỏi, đang làm kế toán ở một công ty sang xịn mịn, có mức lương khối người mơ bỏ việc để làm nhân viên pha chế? Không lựa chọn ước mơ của mình để làm vừa lòng bố mẹ, vậy mà bố mẹ vẫn trách mình ích kỷ hay sao?” – đã nửa năm nay, câu hỏi ấy luôn thường trực trong đầu Linh.

quote 2 copy

Chuyện của Anh Thư thì khác, khúc mắc của cô là “lấy chồng đi, gần 30 tuổi rồi”. Thực ra Thư mới 27, nhưng mỗi khi về quê, tuổi của cô tự động được làm tròn cho có sức nặng để còn đi lấy chồng cho nhanh chứ đừng làm bom nổ chậm của nhà này nữa.

Thư không phải không có ý định kết hôn, hơn ai hết, cô biết mình sẽ là một người vợ, người mẹ tốt. Có điều cô muốn chuẩn bị kinh tế thật tốt để sau này, lũ trẻ của cô không phải mang trên vai gánh nặng kinh tế cho cha mẹ.

Nhưng cô sẽ nói thế nào với bố mẹ về điều ấy khi chỉ cần đả động đến kinh tế, bố mẹ sẽ buông ra vài câu giận dỗi “không cần” nhưng thi thoảng trong những bữa cơm họ vẫn nhắc đến cái A, thằng B vừa biếu bố mẹ cái tivi mới to như bức tường, cho bố mẹ đi du lịch châu Âu, vẫn nhắc nhỏm về chuyện sửa nhà để sau này con cháu đông cho rộng rãi. Vậy là cô đành im lặng nghe những chỉ trích “lông bông, không biết suy nghĩ cho bố mẹ” khi cứ lảng tránh chuyện lấy chồng.

Mới đây nhất, khi nói chuyện với Minh – một cô bạn thân được học bổng chính phủ, những tưởng cô sẽ vui mừng đón nhận thông tin để chuẩn bị lên đường, tôi bất ngờ khi cô đã từ chối học bổng.

“Giờ nhà có mình tao đi làm, bố mẹ đã về hưu còn đứa em sắp vào đại học. Đi học thạc sĩ cũng thích, nhưng hai năm đó ai trả tiền cho tao để nuôi bố mẹ. Thôi ở nhà, chờ vài năm nữa để em tao vào hẳn đại học đã”.

“Vài năm nữa” sẽ lại có một lý do khác nữa, tôi nghĩ. Giấc mơ du học của Minh lớn hơn bất cứ ai, như một lần được vùng vẫy với cuộc đời. Trách nhiệm và áp lực với gia đình nghĩ mà có lúc thấy nặng nề.

quote 2 copy 5

Trong cuộc sống nhiều áp lực này, điều khiến nhiều người thấy sợ hãi hơn cả không phải khao khát tự do bị kìm nén hay cuộc đời trở nên mệt mỏi bởi hàng tá kỳ vọng và áp lực từ bên ngoài. Chính những suy nghĩ bên trong họ, những nghi hoặc về tự do hay giá trị của bản thân mới là điều phải suy ngẫm: “Có thực sự là mình cần tự do không?”, “Mình có nên đánh đổi gia đình để sống cho chính mình không?” hay“Liệu đó có phải ích kỷ như lời ba mẹ vẫn thường nói?”. 

Lựa chọn giữa bản thân và gia đình luôn là một thứ khó khăn vì dù có quyết định như thế nào, sẽ luôn có một bên cảm thấy không hài lòng. Rồi đến một lúc nào đó, sợ rằng người ta sẽ phải từ bỏ giấc mơ của bản thân, không tìm ra cách nào để có thể giải quyết được cả trách nhiệm với gia đình và trách nhiệm với chính mình.

Đúng hay sai, điều đó phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người, nhưng mọi sự hy sinh và chấp nhận từ bỏ đều mang một nỗi buồn.