Hàng rào bảo vệ da chính là "vệ sĩ" tự nhiên giúp duy trì làn da khỏe mạnh cũng như bảo vệ da khỏi tình trạng xuống sắc nhưng trong quá trình chăm sóc da, nhiều người lại chưa đối xử đúng mực với "chiến hữu" này.
1. Hàng rào bảo vệ da là gì?
Hàng rào bảo vệ da hay màng bảo vệ da (skin barrier) là một lớp màng lipid được cấu tạo bởi hai thành phần chính là cholesteron và các acid béo 1, trong đó ceramides là loại acid béo chiếm tỉ trọng cao nhất (30 – 40%).
Bạn có để ý da lúc nào cũng có một lớp dầu mỏng bao phủ trên bề mặt không? Đó chính là hàng rào bảo vệ da hay còn gọi là màng bảo vệ da đấy. Có thể nói lớp rào chắn tự nhiên của da là yếu tố quyết định một làn da khỏe. Đây là cơ chế làn da tự bảo vệ mình khỏi các tác động từ môi trường bên ngoài.
2. Điều gì sẽ xảy ra khi lớp màng này bị yếu hoặc mất đi?
Khi bị bào mòn, màng bảo vệ da không thể ngăn chặn sự mất nước cũng như quá trình xâm nhập của các tác nhân gây hại bên ngoài. Từ đó, da rất dễ bị xâm nhập bởi các yếu tố như bụi bẩn, vi khuẩn, các tác nhân gây ung thư như tia cực tím. Làn da với lớp màng phòng vệ yếu sẽ thường dễ xuất hiện mụn do viêm nhiễm, da dễ bị cháy nắng đồng thời gặp nhiều bệnh ngoài da hơn.
3. Những thói quen làm suy yếu hàng rào bảo vệ da
Rửa mặt quá kĩ
Môi trường ở Việt Nam vốn rất ô nhiễm nên cũng dễ hiểu khi bạn cho rằng mình cần rửa mặt thật kỹ. Tuy nhiên rửa mặt quá nhiều lại là nguyên nhân phá hoại lớp màng lipid của da bởi trong các sản phẩm sữa rửa mặt ít nhiều đều có chất hoạt động bề mặt. Đây là nhân tố giúp lấy đi bụi bẩn, dầu thừa nhưng cũng âm thầm phá quấy lớp màng acid béo. Hậu quả của việc rửa mặt quá kỹ là da trở nên khô yếu, dễ kích ứng.
Bởi những lí do này, bạn không nên rửa mặt quá hai lần một ngày cũng như không dùng nước quá nóng.
Quá lạm dụng chất tiêu sừng
Quy trình dưỡng da hằng ngày của nhiều tín đồ làm đẹp ít nhiều có sự góp mặt của chất tiêu sừng đơn cử như các chất tẩy da chết hoá học (AHA, BHA), retinoid hay vitamin C.
Tác hại thường thấy của việc đưa quá nhiều hoạt chất này vào quá trình chăm sóc da trong thời gian quá ngắn là khiến da không thích ứng kịp và gây ra các hậu quả xấu làm tổn thương lớp màng bảo vệ da. Nếu bạn có ý định sử dụng thì lời khuyên là hãy để da làm quen với từng thành phần một cách từ từ, mỗi thành phần tối thiểu 4 tuần.
4. Cách củng cố lớp màng bảo vệ da
Bên cạnh việc làm sạch vừa đủ, chúng ta cũng có thể củng cố lớp màng bảo vệ da bằng việc bổ sung các dưỡng chất phù hợp thông qua các sản phẩm skincare. Một số thành phần giúp củng cố lớp màng acid béo có thể kể ra như:
Niacinamide (vitamin B3)
Niacinamide được chứng minh là có công dụng kích thích sự tổng hợp ceramides trên da, từ đó giúp làm dày lớp màng này và khiến da khỏe lên.
Sản phẩm gợi ý:
The Ordinary Niacinamide 10% + Zinc 1% (Giá gốc: 228.000VNĐ): Sản phẩm chứa nồng độ B3 hợp lý kết hợp với kẽm nên ngoài khả năng làm da khỏe lên còn có thể trị mụn cực tốt.
Dầu dưỡng
Một thành tố quan trọng khác nữa trong lớp màng bảo vệ da chính là các acid béo. Để cung cấp acid béo cho da thì không gì hiệu quả hơn sử dụng dầu dưỡng nhỉ. Tuy nhiên, bạn hãy lưu ý tránh một số loại dầu dưỡng dễ gây bít tắc lỗ chân lông như dầu dừa (coconut oil) hoặc dầu quả bơ (avocado oil), đặc biệt là với những người sở hữu loại da dầu. Một số loại dầu dưỡng có cấu trúc lỏng nhẹ có công dụng tốt khá nổi tiếng mà bạn có thể thử như: dầu argan, dầu marula, dầu tầm xuân (rosehip)…
Sản phẩm gợi ý:
Pai Rosehip BioRegenerate Oil (Giá gốc: 729.000VNĐ): Em dầu này được đánh giá là mỏng, nhẹ, thấm nhanh nên không gây bí da. Dùng lâu dài theo cách bôi hoặc massage đều nhận được kết quả là da khỏe khoắn lên thấy rõ. Độ ngậm nước và độ đàn hồi của da được cải thiện đáng kể.
Thực phẩm chứa acid béo
Cung cấp cho cơ thể chính những nguyên liệu cần thiết để nó tự tổng hợp ra lớp lá chắn bảo vệ sinh học vẫn là biện pháp an toàn bền vững nhất. Do đó, trong chế độ ăn hàng ngày, bạn hãy chú ý dung nạp các acid béo có lợi bằng việc ăn các loại hạt như hạt điều, hạt macca, hạt hạnh nhân, “xịn” hơn nữa là các loại siêu thực phẩm như hạt flaxseed, hạt chia, hạt quinoa. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng các loại thực phẩm chức năng chứa các acid béo tự do omega 3, 6, 9, tuy nhiên không nên quá phụ thuộc vào chúng.