Quyết tâm bán nhà nếu thất bại của CEO Triip đã thuyết phục Shark Việt rót tiền đầu tư

Thương vụ ấn tượng nhất trong tập 3 là ứng dụng du lịch công nghệ blockchain của nhà sáng lập trẻ Hải Hồ – CEO và đồng sáng lập của Triip.Gọi vốn thành công 500 nghìn USD, CEO của Triip thiết lập nên một tiền lệ nhận đầu tư chưa từng có từ Shark Việt – ‘cá mập’ vốn thích chiếm nhiều % cổ phần để nắm quyền chi phối startup.

 

Là một nền tảng du lịch kết nối du khách với người dân địa phương trên toàn thế giới, cho phép người dùng chia sẻ kế hoạch du lịch để nhận được giá tốt nhất cho các dịch vụ du lịch từ các doanh nghiệp du lịch địa phương, Triip hiện không chỉ là một startup về đổi mới sáng tạo nổi bật ở Việt Nam mà còn nhận được nhiều giải thưởng ghi nhận sự sáng tạo và phát triển du lịch bền vững trên thế giới.

Mở đầu phần thuyết trình, Hải Hồ thể hiện sự nghiên cứu kỹ về sở thích du lịch của các nhà đầu tư. Lợi thế của Triip là kết nối dữ liệu của khách du lịch trực tiếp đến các doanh nghiệp du lịch địa phương trên nền tảng công nghệ blockchain, dữ liệu được lưu ngẫu nhiên trên 150 máy chủ hoạt động độc lập trên toàn thế giới. Vì vậy, các đối tác dùng hệ thống của Triip có thể tiết kiệm từ 50 – 90% chi phí bán hàng. Đổi lại, người dùng của Triip luôn nhận được ưu đãi tốt nhất từ các đối tác này.

CEO Triip đưa ra hàng loạt con số ấn tượng: ứng dụng đạt được 122 nghìn lượt tải trong vòng 3 tháng hoàn toàn tự nhiên, 35% người dùng quay lại hằng ngày, hơn 15 nghìn người chia sẻ hành trình chuyến đi. Doanh thu 2018 của Triip đạt 1,4 triệu USD, 6000 hướng dẫn viên bản địa và khách hàng đến từ 133 quốc gia. Với những chỉ số này, Triip đang dẫn đầu về ứng dụng blockchain trong ngành du lịch.

Hướng đến mục tiêu xây dựng ứng dụng blockchain du lịch lớn nhất thế giới, bắt đầu bằng vòng pre-serie A với số vốn kêu gọi 1 triệu USD, Triip đã kêu gọi thành công quỹ đầu tư của Chính phủ Bồ Đào Nha góp vốn 500 nghìn USD. Và đến Shark Tank, Hải Hồ mong muốn kêu gọi thêm 500 nghìn USD cho 5% cổ phần công ty.

Chia sẻ về bức tranh tài chính, Hải Hồ cho hay Triip hiện thu tiền từ mỗi giao dịch về dữ liệu, cứ một khách sạn mua thông tin hành trình từ khách hàng sẽ trả 10% cho phiên giao dịch. Năm 2018, Triip đạt được 200 nghìn USD, tốc độ tăng trưởng doanh số GMV đạt 1,4 triệu USD. Dự kiến trong 5 năm sẽ hòa vốn dựa trên tổng số user đạt được. Startup được các nhà đầu tư quốc tế định giá 10 triệu USD dựa trên năng lực công nghệ và kinh nghiệm trong ngành du lịch.

CEO Hồ Hải cho biết Triip được đánh giá như thế bởi: “Về công nghệ blockchain bọn em đã dành ra thời gian nghiên cứu 2 năm. Theo thống kê từ Deloitte trong 2 năm qua, có 26 nghìn dự án blockchain được bắt đầu triển khai trên trang Github, sau 1 năm 92% dự án này chết. Và đến bây giờ, bọn em là 1 trong 3 dự án blockchain duy nhất đãra được sản phẩm và chạy thực tế.Bọn em có 11/20 nhân viên là kỹ sư đang tập trung vào công nghệ blockchain”.

Phản đối ý kiến của Shark Phạm Thanh Hưng về việc Triip không được lợi gì từ công nghệ blockchain vì để khách hàng tự mua bán, trao đổi với nhau. CEO Hải Hồ tuyên bố: “Trong ngành du lịch khoảng cách giữa người mua và người bán càng xa thì ở trung gian càng hưởng lợi. Bọn em cảm thấy cuộc chơi như vậy là không công bằng với nhiều người, bọn em viết lại luật chơi mới”.

Trả lời câu hỏi về bài toán khó khăn khi dung hòa giữa bảo mật dữ liệu và tạo ra token trong giao dịch từ Shark Dzung Nguyễn, CEO của Triip khẳng định ứng dụng tập trung sử dụng blockchain để bảo mật dữ liệu nhiều hơn là sản xuất Token. Token đơn giản chỉ là điểm thưởng cho người dùng được lưu lại trên hệ thống blockchain. Ngoài ra, việc thu thập dữ liệu rồi bán cho một bên thứ ba như cách của hai ông lớn Google và Facebook đang thực thi là một cách làm không bền vững.

Đánh giá tốc độ tăng trưởng doanh số GMV của Triip sau hơn 5 năm nữa chỉ đạt đến mức hòa vốn, Shark Đỗ Liên, Shark Phạm Thanh Hưng, Shark Nguyễn Ngọc Thủy và Shark Dzung Nguyễn lần lượt rời bỏ cuộc chơi.

4/5 “cá mập” từ chối, Shark Nguyễn Thanh Việt“một mình một ngựa”đưa ra đề nghị 500 nghìn USD cho 20% cổ phần của Triip. Tuy nhiên, con số 20% khiến Hải Hồ phải đắn đo khá nhiều vì với startup, valuation (định giá) Shark đưa ra không fair cho những nhà đầu tư cũ. CEO Triip thương lượng: “Em hoàn toàn có thể ký với Shark 500 nghìn USD cho trái phiếu chuyển đổi. Trong trường hợp trong 3 năm sau công ty không còn tiền thì em sẽ trả lại cho Shark 500 nghìn USD. Trường hợp em không có tiền, em còn nhà để bán trả Shark”.

Quyết không nhượng bộ startup, Shark Việt nói: “500 nghìn là một con số rất lớn đối với anh. Các Sharks kia bỏ đi hết rồi, chỉ còn anh thôi, em nên cân nhắc. Đây cũng là một sự mạo hiểm với anh”.

Cuộc thương lượng giữa Shark và startup chỉ dừng lại cho đến khi CEO Triip đề nghị 500 nghìn USD cho 6,6% cổ phần kèm điều kiện. Trong đó, 5% là cổ phần trực tiếp, 1,6% là cổ phần dành cho nhân viên, mỗi tuần Shark dành cho startup 1 giờ làm việc.

Cuối cùng thương vụ đã diễn ra thành công tốt đẹp. Với quyết tâm và sự chân thành, CEO của Triip đã thuyết phục được Shark Việt nhún nhường ở con số 6,6% cổ phần. Thiết lập nên một tiền lệ nhận đầu tư chưa từng có từ “cá mập” vốn thích chiếm nhiều % cổ phần để nắm quyền chi phối startup. Hy vọng cái bắt tay với Shark Việt Sẽ là động lực giúp Triip sớm đạt được tham vọng số 1 thế giới của mình.